Mẹ, cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn

Vũ Lệ Ngân Hương| 12/08/2016 08:40

Những ngày này, đọc lại những vần thơ trong bài Mẹ của tác giả Đỗ Trung Quân, tôi chợt thấy lòng mình trào dâng cảm xúc, và chợt thấy hoang mang, lo sợ, sợ một ngày nào đó vào ngày lễ Vu Lan không được cài bông hồng đỏ trên ngực.

ADQuảng cáo

Ảnh tư liệu

Bài thơ như một lời thức tỉnh, lay động tình cảm của những đứa con dù không cố ý nhưng đôi khi vẫn vô tâm, vô tình mải mê với cuộc mưu sinh mà có lúc không quan tâm đến cha mẹ mình. Để mỗi người biết dành thời gian quan tâm, sẻ chia với cha mẹ nhiều hơn. Lúc ta bé nhỏ thì luôn quấn theo chân mẹ. Mẹ ta ấp ủ, bú mớm, bế bồng, lo cho con từ miếng ăn giấc ngủ, "chỗ ướt mẹ nằm, nơi khô ấm nhường con".

Nhưng rồi thời gian dần xa, khi con lớn lên con có hay chăng! Vậy thì hãy đừng để chờ đến ngày mai mới biết quan tâm tới mẹ, nhưng đâu phải ai cũng ý thức được niềm hạnh phúc khi còn mẹ, chỉ khi mẹ mất đi mới giật mình hối tiếc. Đỗ Trung Quân đã cảm nhận và nói hộ chúng ta điều thiêng liêng mà những người con còn mẹ đang được hưởng. Dù là bé thơ hay những người tóc đã điểm muối tiêu, hãy trân trọng từng phút giây quý giá này, bởi "mẹ già như chuối chín cây", đâu ai biết được ngày mai:

"Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm cằn cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn".

Những câu đầu tiên tác giả đã thốt lên như để thức tỉnh mình và thức tỉnh người đọc bằng những cụm từ: "Không đợi”, "giật mình”, “hoảng hốt" trước thời gian. Hàng loạt câu hỏi tu từ không có lời đáp là sự nuối tiếc khôn nguôi. Thời gian vốn công bằng với tất cả chúng ta, nhưng thời gian cũng vô tình, nghiệt ngã. Nếu ta cứ mãi vô tâm thì sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội được yêu thương, chăm sóc và sẻ chia với mẹ.

Thời gian cho con lớn khôn nhưng thời gian cũng làm cho mẹ ta già nua cằn cỗi. Mỗi lần về thăm mẹ, dù mẹ vui cười vẫn thấy nhói lòng vì mẹ lại hằn sâu những nếp nhăn hơn. Ai có thể níu nổi thời gian để mẹ không già nua? Tự nhủ với lòng mình và như là thách thức với thời gian:

"Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo một nụ bạch hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bạch hồng
hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ?"

Hoa hồng trắng đẹp đấy mà sao lòng con buồn trống vắng. Thách thức đấy mà sao lòng lo lắng. Vì sự thật thì mẹ vẫn già nua theo thời gian và ngày ta xa mẹ càng gần. Bởi mất mẹ là sự mất mát khủng khiếp nhất, một nỗi buồn mênh mang trống trải vô bờ nhất.

ADQuảng cáo

Sau này khi có con tôi mới cảm nhận được nỗi vất vả mà cha mẹ đã nuôi mình. Nhưng rồi nước mắt chảy xuôi, đôi khi tôi vẫn vô tình chưa thật quan tâm đến mẹ, không hiểu được tâm tư của mẹ. Và tác giả, đã nói lên một hiện tượng khá phổ biến là mỗi chúng ta dù yêu thương đấy nhưng cũng đã nhiều lần vô tâm với mẹ:

"Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc
Có những bàn chân giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà ta vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng"...

Mẹ rồi cũng sẽ đi xa, sẽ chẳng còn mãi bên ta để chở che, bao bọc, nhưng trong mắt mẹ ta vẫn là đứa con bé bỏng ngày nào, cần được yêu thương, chăm sóc.  Nhà thơ Chế Lan Viên trong bài Con cò đã viết: “con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Mẹ vẫn “thầm lặng” dõi theo mỗi bước chân của con trên đường đời. Giữa mẹ và con luôn có sự linh cảm kỳ diệu, dù mẹ ở cách xa đến ngàn dặm vẫn cảm nhận được con mình đang tổn thương để tìm đến bên con để gánh nỗi đau cho con.

Tự bao đời nay, dù ở đâu trên trái đất này, như một bản năng, mẹ bao giờ cũng sẵn sàng hy sinh tất cả vì con. Gần đây, có cô gái trẻ Đậu Thị Huyền Trâm được nhiều người quan tâm chia sẻ, cô đã từ chối điều trị bệnh, nhận sự đau đớn và cái chết về mình để nhường sự sống cho con. Mẹ là thế đấy! thương con còn hơn bản thân mình. Mẹ đâu có bao giờ đòi hỏi. Mẹ, "cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn"!

 Vậy mà trái ngược lại ta đã dành cho mẹ những gì? Trong xã hội ngày nay, còn có những đứa con bất hiếu ngược đãi cha mẹ một cách tàn nhẫn. Nhưng trái tim người mẹ là vậy, bao dung, rộng lượng tha thứ tất cả những lỗi lầm của con. Mẹ ta cũng vậy, luôn hy sinh vì con:

"Hôm nay...
anh đã bao nhiêu lần dừng lại trên phố quen
ngã nón đứng chào xe tang qua phố...
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
giọt nước mắt kia bao lâu nữa
của mình?
Bài thơ này xin thắp một bình minh
trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối
bài thơ như nụ bạch hồng
Con cài sẵn cho tháng ngày
...sẽ tới".

Bài thơ khép lại bằng hình ảnh một nụ hồng trắng như một sự thức tỉnh đầy tiếc nuối. Để cho những ai còn mẹ hãy yêu thương chăm sóc mẹ nhiều hơn, để tận hưởng những phút giây quý giá khi còn mẹ. "Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?" Vẫn biết rồi thời gian sẽ làm mẹ già nua, như cơn gió cuốn mẹ đi xa vào cõi vĩnh hằng và không ai tránh khỏi. Quy luật của thời gian, nhưng khi nhìn thấy ai mất mẹ anh bỗng hoảng sợ.

Lời thơ nhẹ nhàng như lời thủ thỉ tâm tình, với ngôn ngữ giản dị, chân tình khơi gợi sự đồng cảm, lay động người đọc. Bài thơ ra đời đã 30 năm (năm 1986) nhưng dường như vẫn chưa bao giờ cũ. Và chúng ta càng trân trọng hơn những giá trị tình cảm mà Đỗ Trung Quân đã đề cập trong bài thơ. Đọc bài thơ, mỗi chúng ta càng yêu thương, trân trọng mẹ mình hơn, nhất là lễ Vu Lan, là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ sự kính yêu, trân trọng mẹ, biết làm thế nào để đáp đền công ơn to lớn đó.!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mẹ, cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO