Lớp học nghề dệt thổ cẩm ở bon Bu N'rung

Gia Bình| 26/09/2018 09:48

Hơn 1 tháng nay, cứ đến các ngày cuối tuần, chị em bon Bu N'rung, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) lại cùng nhau về tại Nhà văn hóa cộng đồng để học nghề dệt thổ cẩm do Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tuy Đức tổ chức.

ADQuảng cáo

Sau hơn 1 tháng học, các học viên đã biết dệt những túi xách, váy áo đặc trưng của dân tộc mình

Tại đây, các học viên được các nghệ nhân nhiệt tình chỉ dạy cách thức làm nên một tấm thổ cẩm đẹp từ đơn giản đến phức tạp.

Theo các chị Thị Ai, H’Bleng-những người được mời đứng ra truyền dạy, để giúp các học viên nắm bắt kỹ thuật của nghề, ban đầu dạy cách móc chỉ, nối chỉ, sau đó mới đến các hoa văn khó như hình người, hạt dưa deo, cây rừng… Bên cạnh đó, các chị còn kể những câu chuyện thần thoại, cổ tích, giúp các học viên hiểu rõ hơn văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Điều đáng ghi nhận, khi tham gia lớp học chưa hề biết dệt nhưng chỉ sau hơn 1 tháng, nhiều chị đã biết dệt các sản phẩm có họa tiết truyền thống của dân tộc. Thậm chí, một số học viên sáng dạ còn biết cách tân, sáng tạo ra những họa tiết cách điệu nhưng không hề mất đi bản sắc truyền thống.

Các học viên đa số là bạn trẻ

ADQuảng cáo

Chị Thị Trâm-một học viên nói: “Tôi rất thích dệt thổ cẩm, nên khi nghe địa phương tổ chức lớp học thì đăng ký tham gia. Tôi nhận thấy, học dệt thổ cẩm không chỉ giúp bản thân có thêm một cái nghề độc đáo mà còn là cách để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc”.

Chị Thị Thảo cũng phấn khởi: “Lúc đầu do không biết, không hiểu về nghề dệt thổ cẩm nên tôi nghĩ là rất khó nhưng sau khi tham gia lớp học, tôi cảm thấy việc dệt thổ cẩm không khó như mình nghĩ. Giờ tôi có thể dệt được túi xách, váy cũng như các loại hoa văn của người M’nông nên vui lắm”.

Chị Thị Ai cho biết: “Gắn bó với nghề dệt thổ cẩm ngay từ nhỏ nên các sản phẩm thổ cẩm đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Điều mà tôi quan tâm nhất hiện nay là làm sao truyền cho lớp trẻ biết đến nét văn hóa độc đáo của dân tộc. Vì vậy, khi được mời đứng lớp, tôi lập tức đồng ý và xem đây là cơ hội để có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ những gì mà mình biết về nghề dệt thổ cẩm”.

Lớp học kéo dài 3 tháng và các nghệ nhân chỉ dạy những kỹ thuật làm nên một tấm thổ cẩm đẹp

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tuy Đức, trước sự phát triển của cuộc sống, nguy cơ mai một nghề dệt thổ cẩm là điều không thể tránh khỏi. Xuất phát từ thực tế đó và từ nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2018, Trung tâm tổ chức 1 lớp học dệt thổ cẩm ở bon Bu N'rung, thu hút được hơn 30 học viên tham gia. Để lớp học đạt hiệu quả cao, Trung tâm mời các nghệ nhân có tay nghề cao đứng ra trực tiếp giảng dạy từ những khâu cơ bản nhất đến những khâu phức tạp nhất của nghề dệt.

Điều đáng nói, các học viên đều ý thức được trách nhiệm, ý nghĩa của việc học dệt thổ cẩm đối với gia đình, cộng đồng nên cố gắng sắp xếp công việc để tham gia lớp học. Khóa đào tạo chỉ kéo dài 3 tháng, Trung tâm cũng chỉ mong góp một phần gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề. Về lâu dài, qua thực tế cuộc sống, các chị cần năng động để giữ nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, có thể sống được với nghề dệt thổ cẩm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lớp học nghề dệt thổ cẩm ở bon Bu N'rung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO