Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại Đắk Nông: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của trang phục truyền thống các dân tộc

Mỹ Hằng thực hiện| 21/08/2016 09:25

Ngày 4/8/2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 321/KH-UBND về lộ trình tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

PV: Việc tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông có mục đích và ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: Nhắc tới thổ cẩm, người ta nghĩ ngay đến một nét giá trị văn hóa giúp phân biệt sắc thái giữa các dân tộc trên mọi miền đất nước. Nó không chỉ đơn thuần là đồ dùng mà còn là sản phẩm văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, tô điểm thêm nét đẹp, nét duyên cho các chàng trai, cô gái khi được xúng xính trong bộ trang phục của dân tộc mình. Thông qua trang phục truyền thống, người ta có thể nhận biết xu hướng, khả năng sáng tạo thẩm mỹ của mỗi cộng đồng văn hóa.

Hơn nữa, trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung rất phong phú về mẫu mã cũng như chủng loại. Mỗi bộ trang phục đều có màu sắc, đường nét, kỹ thuật trang trí, hoa văn riêng biệt, thể hiện quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan sâu sắc trên từng sắc vải. Đây là di sản văn hóa quý giá cần được bảo tồn và phát triển.

Tuy nhiên, trước xu thế phát triển và hội nhập mang tính toàn cầu thì di sản này đang dần bị mai một, người dân ngày càng ít “mặn mà” với trang phục truyền thống, thay vào đó là ưa chuộng các mặt hàng công nghiệp may sẵn.

Vì vậy, việc tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam. Thông qua các hội thi trang phục để tôn vinh vẻ đẹp, làm cho đồng bào các dân tộc luôn tự hào mỗi khi mặc bộ trang phục của dân tộc mình, tự ý thức được bản sắc của nền văn hóa đã làm nên phong cách và diện mạo của mình.

Qua đó, các cấp ủy, chính quyền, nhân dân, cộng đồng dân tộc thiểu số Đắk Nông nói riêng và các dân tộc trên cả nước nói chung ngày càng nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, phát huy hoa văn, trang phục của dân tộc trong đời sống thực tiễn.

Các nghệ nhân, diễn viên các dân tộc thiểu số trong tỉnh và cả nước có dịp giao lưu văn hóa, học tập và trao đổi kinh nghiệm nhằm thắt chặt tình đoàn kết gắn bó. Đồng bào các dân tộc thiểu số cũng được động viên, khích lệ để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của hoa văn, trang phục truyền thống.

PV: Đồng chí có thể cho biết quy mô và các hoạt động diễn ra tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam?

ADQuảng cáo

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông sẽ được tổ chức vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019 nhân kỷ niệm 15 năm gày thành lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004-1/1/2019). Địa điểm tổ chức lễ hội là tại thị xã Gia Nghĩa và tỉnh sẽ mời từ 15-20 tỉnh, thành phố tham gia sự kiện này.
Theo kế hoạch dự kiến, lễ hội bao gồm những hoạt động như thi dệt thổ cẩm; trình diễn trang phục truyền thống và thời trang; hội nghị, tọa đàm về văn hóa thổ cẩm; hội chợ thương mại về sản phẩm thổ cẩm, trang phục truyền thống và thời trang; hội thi ẩm thực và một số trò chơi dân gian. Sau đó, lễ hội dự kiến tổ chức 2 năm/lần, với quy mô quốc gia, mời mở rộng nhiều tỉnh, thành phố và tiến tới mời một số nước tham gia. Tùy theo chủ đề từng năm mà lễ hội thay đổi chương trình, nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức cho phù hợp, hấp dẫn, bảo đảm ngày càng nâng cao về mặt chất lượng.

Các bạn trẻ dân tộc M’nông ở bon Bu Kóh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) được truyền dạy nghề dệt thổ cẩm

PV: Theo lộ trình, thời gian đến khi diễn ra lễ hội tổ chức còn khá dài. Vậy để lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp và tạo hiệu ứng xã hội cao, về phía tỉnh đã có những chủ trương, biện pháp như thế nào?

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông là một sự kiện văn hóa lớn, gắn liền với sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh. Vì vậy, các hoạt động trong lễ hội phải được chuẩn bị chu đáo, chất lượng, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, để lại ấn tượng tốt đẹp, thể hiện được bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn với quảng bá tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh.

Hiện tại, tỉnh đang phối hợp với Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh nằm trong chương trình ký kết giữa Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Đắk Nông xây dựng và thành lập Đề tài nghiên cứu khoa học “Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông”.

Đề tài sẽ được trình Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên xem xét, phê duyệt. Sau đó, Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ đề tài mời các chuyên gia cùng tham gia đề tài. Điều cơ bản mà tỉnh mong muốn khi thực hiện đề tài là tạo tính lâu dài, với mục tiêu lễ hội sẽ xác lập một “bản quyền” riêng, độc đáo của tỉnh để sau đó cứ 2 năm một lần lại tổ chức.

Từ nay cho tới ngày kỷ niệm thành lập tỉnh còn dài, nhưng không vì thế mà công tác triển khai chậm trễ. Dựa trên văn bản hiện hành, tỉnh đã yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành rà soát các làng nghề, nhóm nghệ nhân-những người am hiểu, đang duy trì các lớp dạy nghề thổ cẩm trong tỉnh. Riêng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì tiến hành rà soát, thống kê lại xem có bao nhiêu dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh còn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống, rồi bằng nhiều nguồn lực để khôi phục ngành nghề.

Đồng thời, công tác tuyên truyền, quảng bá sẽ được tăng cường để người dân, cộng đồng các dân tộc hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của lễ hội là nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thông qua trang phục truyền thống.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đồng bào rất vui, tự hào khi tỉnh có kế hoạch tổ chức lễ hội văn hóa thổ cẩm!

Nghệ nhân H’Bạch ở bon N’jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa):

Nghệ nhân H’Bạch hàng ngày vẫn ngồi bên khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm yêu thích

Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mạ nói riêng và các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh được duy trì và có cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, đồng bào muốn gìn giữ và nâng tầm sản phẩm văn hóa đặc trưng của dân tộc mình không phải là điều dễ dàng vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là đầu ra cho sản phẩm.

Dù chưa thể hình dung được quy mô và tác động của Lễ hội hoa văn thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông đối với việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, nhưng tôi mong rằng, lễ hội thành công sẽ là bước đệm để sản phẩm thổ cẩm có thị trường tiêu thụ.

Thị Krui ở bon Bu N’doh, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp):

Chị Thị Krui (bên trái) luôn mong muốn sản phẩm thổ cẩm được bà con ưa chuộng

Tôi mới biết thông tin về kế hoạch tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông do UBND tỉnh ban hành đăng trên Báo Đắk Nông.

Dù chưa hiểu hết ý nghĩa, mục đích, quy mô, nhưng bản thân tôi rất vui, tự hào vì sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc M’nông chắc chắn sẽ có mặt ở lễ hội. Qua lễ hội, sản phẩm thổ cẩm đặc trưng của dân tộc M’nông sẽ đến với các dân tộc anh em khác.

Thị Nhét ở bon Bu Brâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song):

Với chị Thị Nhét thì dệt thổ cẩm luôn là niềm vui lúc nông nhàn

Thời gian qua, các cấp chính quyền cũng như đồng bào đã nỗ lực rất nhiều trong việc khôi phục và gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Tôi và bà con sẽ rất tự hào khi được tham gia Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông.

Từ đây tới khi lễ hội diễn ra còn khá dài, nhưng tôi vẫn háo hức để chờ đón và hy vọng rằng, sau lễ hội thì sản phẩm thổ cẩm của người M’nông được mọi người biết đến và việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng dễ dàng hơn.

Chị H’Nghiêu ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Chư Jút):

Chị H’Nghiêu hàng ngày vẫn miệt mài bên khung cửi dệt thổ cẩm

Hầu hết các sản phẩm thổ cẩm đồng bào làm chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn mặc trong gia đình chứ chưa có chỗ đứng thực sự trên thị trường. Tuy nhiên, nếu Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông diễn ra, với sự tham dự của các dân tộc anh em thì bà con mừng lắm.

Đến với lễ hội, ngoài việc giới thiệu ý nghĩa của từng đường kim, mũi chỉ, cách trang trí, bố cục hoa văn, nghệ nhân sẽ còn học hỏi rất nhiều điều hay, dấy lên niềm tự hào và cùng nhau gìn giữ vốn quý của dân tộc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại Đắk Nông: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của trang phục truyền thống các dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO