Lễ hội Thống nhất non sông

Nguyễn Văn Thanh| 28/04/2015 17:40

Lễ hội Thống nhất non sông là một lễ hội cách mạng được hình thành trên nền tảng cơ sở của những giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nơi thể hiện tập trung nhất nỗi đau chia cắt hai miền Nam - Bắc và cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất của nhân dân đôi bờ giới tuyến nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung. Đây là một lễ hội cách mạng đặc sắc ở khu Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải- Quảng Trị.

ADQuảng cáo

Văn nghệ chào mừng Ngày hội Thống nhất non sông năm 2014

Lễ hội Thống nhất non sông được tổ chức tại cụm Di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nơi chứng kiến nỗi đau 20 năm chia cắt đất nước, nơi biểu hiện cao nhất khát vọng thống nhất và đoàn tụ của dân tộc Việt Nam.

Cây cầu Hiền Lương dài hơn 200 mét nhưng nhân dân 2 miền Nam - Bắc đã phải thực hiện cuộc trường chinh trong suốt 21 năm gian khổ để đất nước có một Ngày hội Thống nhất non sông. Cây cầu nhỏ bé này đã là chứng nhân cho cuộc đấu tranh lâu dài, khốc liệt và oai hùng của toàn dân tộc ta, thể hiện ý chí, khát vọng và niềm tin vào ngày toàn thắng.

Chu trình lễ hội Thống nhất non sông được tổ chức định kỳ 1 năm 1 lần theo quy mô cấp tỉnh và 5 năm 1 lần theo quy mô cấp quốc gia và trở thành NGÀY HỘI THỐNG NHẤT NON SÔNG. Thời gian lễ hội được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (30/4) hàng năm. Theo quy mô cấp tỉnh, lễ hội thường được tiến hành trong 1 ngày vào 30/4; theo quy mô cấp quốc gia thì thời gian kéo dài 2 ngày (29 và 30/4).   

Lễ hội Thống nhất non sông là dịp để tôn vinh những chiến công bất tử của quân và dân hai miền Nam - Bắc và khát vọng thống nhất, độc lập, tự do của cả dân tộc, thực hiện di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Nước Việt Nam là một, dân tộc Vịêt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi".

Lễ hội còn là dịp tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc; thông qua đó giáo dục, bồi dưỡng và phát huy hơn nữa lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào, ý chí tự cường dân tộc; khẳng định những thành tựu vĩ đại mà dân tộc ta đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cổ vũ toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy truyền thống cha ông.

Lễ hội gồm 2 phần:

ADQuảng cáo

Phần lễ: Phần lễ chủ đạo là Lễ thượng cờ và một chương trình khai mạc ngày hội với các nghi thức theo một kịch bản không cố định và thường xuyên được thay đổi khá linh hoạt nhằm chuyển tải những ý nghĩa có tính biểu trưng với những nội dung liên quan đến hoạt động tôn vinh khát vọng thống nhất, độc lập Tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ.

Lễ thượng cờ được tổ chức trang nghiêm tại Kỳ đài Hiền Lương (kỳ đài/cột cờ giới tuyến) diễn ra vào lúc 8 giờ 00 sáng ngày 30/4. Sau một hồi còi báo hiệu, cùng với nghi thức cử Quốc ca, lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên trên đỉnh kỳ đài Hiền Lương lịch sử trước sự chứng kiến của hàng ngàn người tham dự.

Phần kết thúc là màn hợp xướng “Bài ca thống nhất” được xem như bài hát truyền thống tại lễ hội. 63 chùm bóng bay gắn dải lụa ghi tên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước được thả lên từ dưới chân kỳ đài, tạo ra không khí tưng bừng, tươi vui của ngày hội lớn.

Phần hội: gồm các hoạt động cắm trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân trong tỉnh. Trong đó, hoạt động đua thuyền truyền thống hàng năm tại Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã thu hút hàng vạn người dân tham gia cổ vũ, tạo nên một không khí rộn ràng của ngày hội. Vào các năm chẵn kỷ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước còn có thêm các chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật đặc biệt với sự có mặt của nhiều đoàn nghệ thuật Trung ương và địa phương khắp cả nước.

Lễ hội Thống nhất non sông lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 và tổ chức liên tục cho đến nay. Với tầm vóc và giá trị lịch sử của di tích cũng như sự hình thành và phát triển bền vững của lễ hội, được sự cho phép của Chính phủ, từ năm 2010, lễ hội thống nhất non sông được nâng lên quy mô lễ hội Quốc gia.

Năm 2011, Bộ Tư lệnh Hải quân đã mang về 21 hòn đá từ các đảo, điểm đảo trong quần đảo Trường Sa và những cây bàng trái vuông biểu tượng cho chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam trên Biển Đông trao cho UBND tỉnh Quảng Trị. Trong giây phút thiêng liêng, dưới chân kỳ đài Hiền Lương, UBND tỉnh Quảng Trị tiến hành nghi thức tiếp nhận đá chủ quyền và trồng cây bàng trái vuông Trường Sa tại khuôn viên di tích Hiền Lương.

Theo dự kiến, Lễ hội Thống nhất non sông năm 2015 - Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian 29/4 -1/5/2015 với những hoạt động chính như: Hội trại “Thống nhất non sông”; Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bài ca thống nhất”, Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” và đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt: Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vĩnh Mốc; Giải đua thuyền “Thống nhất non sông”; Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc và các hoạt động tri ân... Lễ hội sẽ là một trong những hoạt động lớn của cả nước kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Thống nhất non sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO