Krông Nô bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống

Mỹ Hằng| 19/08/2014 09:35

Qua thống kê thì hiện nay, huyện Krông Nô đã khôi phục được 10 lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa như: lễ cầu mưa, lễ chúc phúc, lễ hội Sapengchu, lễ M’găp bon; mở 2 lớp dạy dệt thổ cẩm và 14 lớp dạy đánh cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ, thu hút hàng trăm học viên đủ mọi lứa tuổi tham gia.

ADQuảng cáo

Hầu hết các bon làng đều thành lập được 1 đội cồng chiêng và 1 đội văn nghệ dân gian thường xuyên tham gia biểu diễn, phục vụ nhân dân trong các dịp lễ, kỷ niệm của đất nước. Thậm chí, có nơi thành lập được 2 đội cồng chiêng như: bon Za Ráh (xã Nam Nung); bon Ktăk, buôn Sứk (xã Quảng Phú)…

Các lớp truyền dạy cồng chiêng được tổ chức ở các bon làng, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia

Theo ông Y K’Rum, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô thì qua thực tế trên cho thấy, công tác gìn giữ văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện đã và đang gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Có được kết quả trên chính là nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền được quan tâm thực hiện một cách sâu sát, nên đã giúp người dân nâng cao nhận thức cũng như có ý thức trách nhiệm trong việc chung tay gìn giữ văn hóa của dân tộc.

Trên cơ sở đó, hàng năm, huyện luôn xây dựng kế hoạch cụ thể và chủ động tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, các hoạt động văn hóa văn nghệ lành mạnh, nhất là văn hóa các dân tộc tại chỗ như M’nông, Mạ, Ê đê... thu hút đông đảo người dân tham gia.

Các hội thi, hội diễn văn nghệ luôn đa dạng nội dung lẫn hình thức như: thi hát dân ca dân vũ, thi ẩm thực, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống… luôn tạo được niềm vui và tinh thần phấn khởi trong nhân dân.

ADQuảng cáo

Cùng với đó, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã xây dựng được 20 nhà văn hóa cộng đồng và trang bị 15 bộ chiêng cùng một số trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng như loa đài, âm ly… cho các bon làng trên địa bàn.

Việc mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, hát dân ca, dân vũ cũng được tổ chức hàng năm, nên tiếng cồng chiêng, các làn điệu dân ca, dân vũ đã trở lại với bon làng.

Nghệ nhân Y Thanh ở bon Za Ráh, xã Nâm Nung - một trong những người dạy đánh cồng chiêng cho biết: “Để lớp trẻ hiểu tầm quan trọng của văn hóa cồng chiêng và ra sức gìn giữ thì rất cần nhiều thời gian cũng như công sức. Phải bắt đầu nhen nhóm tình yêu cồng chiêng trong giới trẻ, rồi mới dạy thực sự thì mới hiệu quả. Vì vậy, tôi thường xuyên dạy các bài chiêng từ đơn giản đến phức tạp và trước khi dạy bài mới thì cũng luôn ôn lại bài cũ”.

Ngoài ra, nhận thấy môi trường giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong việc “truyền lửa và giữ lửa” cho lớp trẻ nên một số trường học trên địa bàn cũng nỗ lực giáo dục học sinh gìn giữ văn hóa dân tộc. Đơn cử như Trường Phổ thông dân tộc nội trú Krông Nô đã đưa các nội dung dạy nghề dệt thổ cẩm, đan lát, đánh cồng chiêng, hát dân ca dân vũ vào chương trình sinh hoạt ngoại khóa.

Do đặc thù là nơi tập trung đông học sinh dân tộc thiểu số nên trường đã phối hợp với Phòng Văn hóa -Thông tin huyện mời các nghệ nhân giỏi ở các bon làng trên địa bàn về giảng dạy cho các em. Điều đáng ghi nhận là nhờ sự chỉ dạy tận tình của các nghệ nhân mà nhiều em đã đánh được những bài chiêng nổi tiếng của dân tộc mình như Chinh ngăn, Pich tơ trơ…

Hiện trường đã thành lập được 1 đội chiêng thường xuyên sinh hoạt và  biểu diễn khi trường tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ. Được trường khuyến khích, tạo điều kiện, các em luôn tích cực tập luyện, biểu diễn, phát huy năng khiếu, trở thành những “hạt nhân” kế thừa việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO