Hội làng Quang Biểu - nét văn hóa hội làng của người Bắc Giang

Thùy Dương| 12/09/2014 10:04

Mặc dù đã sinh sống ở xã Đắk N’Drung (Đắk Song) cách đây hơn 20 năm, nhưng người dân làng Quang Biểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống của quê hương. Đó là hội làng với những trò chơi truyền thống như đấu vật, bắt vịt… tạo không khí sôi nổi, hào hứng, đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng.

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Thế Hóa, hiện cư trú ở làng Quang Biểu thì từ năm 1999 trở lại đây, cứ vào ngày 13/8 âm lịch hàng năm, người dân của làng lại tụ họp để tổ chức hội làng Quang Biểu nhằm tưởng nhớ các vị thần của làng và duy trì các môn thể thao cổ truyền.

Các đô vật thi đấu trong hội thi

Hội làng Quang Biểu có hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức đơn giản còn phần hội diễn ra khá sôi nổi với nhiều trò chơi hấp dẫn. Trong hội làng, môn đấu vật cổ truyền luôn được tổ chức và thu hút sự tham gia của nhiều “ông đô” và khán giả. Đây là môn thi đấu cổ truyền có từ lâu đời và luôn được bà con ở đây duy trì trong mỗi dịp hội làng.

Theo lời kể của dân làng thì ngay từ thuở sơ khai, để sinh tồn, con người phải dùng sức mạnh và trí tuệ chống lại các loài thú dữ. Muốn chiến thắng, con người phải hoàn thiện những miếng đánh, thế thủ hiệu nghiệm và đấu vật ra đời từ đó.

Cùng với thời gian những đòn thế của đấu vật được ứng dụng vào cộng đồng. Những lúc rảnh rỗi, thanh niên trai tráng thường tập đấu vật để tăng thêm sức mạnh, nghị lực và lòng dũng cảm. Chính vì vậy, đấu vật là một trong những phương pháp luyện sức, đọ tài để chọn người giúp dân, giúp nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, hiện nay, nhiều người đã định cư trên vùng đất mới nhưng người dân làng Quang Biểu vẫn còn duy trì hội đấu vật vào mỗi dịp hội làng để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của làng mình.

Nơi thi đấu vật là khoảng sân rộng được gọi là sới vật. Sới vật có hình tròn đường kính khoảng từ 6 đến 7 m. Ngay trước sới vật là một cái trống lớn. Trong đấu vật, người đánh trống được gọi là người cầm trịch có vai trò như một trọng tài. Tiếng trống trong đấu vật thường là trống 3 nhịp. Khi trận đấu vật chính thức diễn ra thì tiếng trống 3 nhịp kết nối với nhau rất nhẹ nhàng. Đều nhịp ứng với 2 đô vật đang vờn nhau để tìm miếng đánh, sau đó tiếng trống sẽ thay đổi theo nhịp tăng dần theo hướng khích lệ, thúc giục các đô vật. Chỉ cần nghe tiếng trống, người xem đã có thể thưởng thức trận đấu vật bằng thính giác và trí tưởng tượng.

ADQuảng cáo

Anh Trần Kim Trăng, một ông đô ở môn thi đấu vật cho biết: “Đấu vật là môn võ thuật mà tôi rất yêu thích, không chỉ vì mục đích rèn luyện sức khỏe cho bản thân mà hơn hết đó là tinh hoa, là truyền thống của người dân quê tôi. Tôi vào đây sinh sống cùng bố mẹ đã lâu nhưng vẫn luôn được các vị “tiền bối” chỉ bảo các miếng đánh và đã học được rất nhiều. Năm nay, tôi đã dành nhiều công sức luyện tập và kết quả đã nhận được giải nhất trong hội thi”.

Trò chơi thứ hai mà người dân làng Quang Biểu luôn tổ chức trong mỗi dịp hội làng đó là bịt mắt bắt vịt. Theo lời kể của người dân thì từ xa xưa, làng Quang Biểu ở Bắc Giang chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp và nghề chài lưới. Trò chơi bắt vịt chính thức của quê hương là lội nước bắt vịt nhằm rèn luyện sức khỏe và bơi giỏi.

Tuy nhiên tại đây, trò chơi này đã biến tấu thành bịt mắt bắt vịt, mục đích chính nhằm rèn luyện sự khéo léo và tài phán đoán của người chơi. Trò chơi bịt mắt bắt vịt được tổ chức rộng rãi, không chỉ dành cho những người trong làng tham gia mà người dân ở các thôn, bon khác cũng cùng chơi, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi, vừa tạo mối đoàn kết trên quê hương mới.

Chị Nguyễn Thị Liên, một người dân làng Quang Biểu cho biết: “Là một người con xa quê từ khi còn rất nhỏ nên mỗi khi nhắc tới quê hương là cảm xúc trong lòng lại dâng lên rất khó tả. Vì vậy, những ngày tổ chức được hội làng như thế này, tôi cảm giác như được ở quê, được gặp ông bà, anh em. Dù không về được nhưng hình ảnh những ngôi chùa, đình làng, ngõ xóm vẫn hiện lên và cảm giác thật gần gũi. Qua hội làng, tôi cũng có thể tự hào kể cho con cháu, những thế hệ sinh ra ở đây biết về quê hương, và ngày đó có ngày hội như vậy, đồng thời giới thiệu nét văn hóa của làng quê tới những người dân địa phương khác”.

Còn bà Nguyễn Thị Tùng, một người dân tham gia hội làng cho biết: “Tôi thấy lễ hội này ôn lại được truyền thống của hội làng xưa. Bà con làng Quang Biểu đã rất tôn trọng và bảo tồn được lễ hội truyền thống của quê hương. Đây là truyền thống rất tốt, các trò chơi cũng rất hay. Tuy bây giờ đang là ngày mùa nhưng chúng tôi vẫn tham gia ngày hội cùng người dân nơi đây”.

Theo ông Lê Ngọc Diện, Bí thư Đảng ủy xã Đắk N’Drung thì hội làng Quang Biểu đã duy trì được nhiều nét văn hóa độc đáo, nhất là môn đấu vật cổ truyền. Việc giữ gìn, duy trì văn hóa truyền thống không chỉ tăng cường giao lưu, đoàn kết giữa các dân tộc mà còn góp phần làm phong phú thêm văn hóa giữa các vùng miền, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu ở địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội làng Quang Biểu - nét văn hóa hội làng của người Bắc Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO