Hình tượng Tổ quốc trong thơ ca cách mạng

Trần Văn Lợi| 18/08/2017 08:38

Ngay từ những ngày đầu của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, nhà thơ Trần Mai Ninh đã say sưa viết: Có mối tình nào hơn Tổ quốc?... Và thật đúng như vậy, hình tượng Tổ quốc - đất nước Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng lớn cho các nhà thơ.

ADQuảng cáo

Hình tượng Tổ quốc càng hiện lên rõ nét với vẻ đẹp sinh động, huy hoàng trong sự nghiệp chiến đấu và xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa. Từ những cảm xúc chân thành nồng thắm và suy nghĩ chín chắn, các nhà thơ đã xây dựng hình tượng Tổ quốc Việt Nam có bề dày lịch sử và tầm cao của thời đại, có truyền thống vẻ vang của quá khứ và sự tích anh hùng của cách mạng.

Tác phẩm tranh cát “Tổ quốc gọi tên mình”. Ảnh tư liệu

Tình yêu Tổ quốc trong thơ ca cách mạng thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau. Trước hết các nhà thơ tập trung ca ngợi vẻ đẹp của núi sông và con người Việt Nam thời đại mới. Đấy là một Tổ quốc được hiện lên rực rỡ, lộng lẫy, tráng lệ trong không khí náo nức của những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám. Trong tư thế của một con người vừa được làm chủ đất nước, nhà thơ reo vui khi được ngắm nhìn núi sông “rừng vàng biển bạc” cứ nối dài vô tận, đang bắt đầu một cuộc “thay da đổi thịt” để phát triển không ngừng:

Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca…

(Ta đi tới – Tố Hữu)

Các nhà thơ viết về Tổ quốc còn là để thể hiện niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống vẻ vang của ông cha ta trong suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Truyền thống đó càng được phát huy ở thế kỷ 20 – khi mà cả dân tộc tiến hành “cuộc trường chinh gian lao và anh dũng”, giành lại độc lập, tự do. Tổ quốc trong những ngày cách mạng và kháng chiến gian khổ là hình ảnh nhân dân anh hùng từ những năm tháng đau thương mà đứng dậy, làm nên Cách mạng tháng Tám 1945, đem lại tương lai sáng lạng cho đất nước, cho dân tộc:

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về…
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

ADQuảng cáo

Mỗi người Việt Nam đều cảm thấy vinh dự, tự hào khi được sống trong không khí tưng bừng, phấn khởi của mùa thu cách mạng, của những năm tháng kháng chiến đầy gian lao nhưng cũng hết sức vẻ vang. Trong nhiều bài thơ, Tổ quốc là hình ảnh tượng trưng cho lòng tin và sức mạnh chân lý, là sự hy sinh lớn để bảo vệ mình và bảo vệ nhân phẩm loài người: “Việt Nam chục vạn ngày đạn lửa/Cho ngàn năm sau nhân loại ngẩng cao đầu” (Chế Lan Viên). Hình tượng Tổ quốc trở nên lớn lao, cao cả và mang tầm vóc của thời đại như vậy, nên nhà thơ luôn tự hào về những ngày mình đang sống là những ngày đẹp nhất: “Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả/Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn”. Tổ quốc tươi đẹp và đáng tự hào bởi tất cả mọi ngọn núi con sông, mọi nhành cây viên đá… đều trong đội hình đánh giặc cứu nước, đều mang trong mình một sức mạnh kỳ diệu – sức mạnh của tình yêu Tổ quốc:

Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt
Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm
Mỗi chú bé đều nằm mơ gậy sắt
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng…
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? - Chế Lan Viên)

 Tình yêu Tổ quốc còn được thể hiện ở trách nhiệm cụ thể để giữ gìn Tổ quốc, giữ gìn thành quả cách mạng mà nhân dân đã phải đánh đổi bằng những hy sinh, mất mát. Đó là ý thức công dân, là tinh thần xả thân hiến dâng cho Tổ quốc. Và có lẽ, không có sự hy sinh nào lớn lao, cao cả hơn sự hy sinh cho đất nước mình, dân tộc mình:

Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…
(Chế Lan Viên)

Sau những năm tháng đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, Tổ quốc Việt Nam càng vững vàng hơn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đứng trên mũi Cà Mau, nhà thơ Xuân Diệu đã phát hiện ra một vẻ đẹp mới của Tổ quốc Việt Nam – vẻ đẹp của một đất nước đang trên đà phát triển, đang “vươn ra biển lớn” cùng với bè bạn năm châu, qua hình ảnh so sánh mang tính khái quát cao:

Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó – Mũi Cà Mau
(Mũi Cà Mau – Xuân Diệu)

Tổ quốc Việt Nam đang từng ngày vươn lên cùng với bao khát vọng và những bước đi kỳ diệu. Hình tượng Tổ quốc vẫn mãi mãi là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho mọi thế hệ nhà thơ. Trong tâm hồn mỗi người Việt Nam, hình tượng Tổ quốc lung linh, ngời sáng nhưng vẫn luôn vẫy gọi chúng ta đi lên phía trước…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình tượng Tổ quốc trong thơ ca cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO