Hấp dẫn các lễ hội truyền thống

Thùy Dương - Y KRăk| 01/08/2014 09:13

Trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đắk Nông 2014, ngoài các hoạt động khám phá các điểm du lịch sinh thái, nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc M’nông, Mạ đã được người dân các địa phương phục dựng. Điều này đã tạo nên dấu ấn, bản sắc riêng của du lịch Đắk Nông. Đây cũng là dịp để du khách trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa lịch sử trên quê hương Anh hùng dân tộc N'Trang Lơng.

ADQuảng cáo

Lễ tạ ơn

Ảnh: H'Mai

Lễ tạ ơn hay còn gọi là Lễ Tách Năng Yô của đồng bào Mạ, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Đây là nghi lễ được tiến hành vào tháng 2 hoặc tháng 3, và cứ khoảng từ 5 đến 7 năm tổ chức một lần. Mục đích chính của cúng lễ là khấn cầu thần linh giúp đỡ cho cộng đồng hay dòng họ, cá nhân tránh khỏi những tai họa, trở ngại gặp an lành, may mắn.

Thông qua lễ cúng làm tăng mối quan hệ gắn bó, sự đồng cảm, mối ràng buộc chia sẻ giữa các thành viên trong cộng đồng.

Lễ cúng lúa mới

Ảnh: Bình Nhi

Lễ hội mừng thu hoạch lúa được mùa theo nghi thức truyền thống của người M’nông tại bon Bu Prâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song). Tại buổi lễ, các nghệ nhân trong bon Bu Prâng đã tái hiện khá sinh động Lễ hội mừng thu hoạch lúa được mùa theo nghi thức truyền thống của người M’nông.

Các lễ vật sử dụng trong buổi lễ gồm heo nướng, gạo, sáp ong, rượu cần, than, bông… Đây là những sản phẩm của vụ mùa thu hoạch được. Nghi lễ bắt đầu bằng việc người uy tín mời các thần linh về dự lễ cùng bon làng và đọc lời tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho bon làng được mùa lúa hơn những năm trước, đủ lương thực ăn quanh năm. Bon làng xin dâng thịt, rượu… mời các vị thần linh về chung vui và tiếp tục phù hộ trong những vụ mùa tiếp theo.

ADQuảng cáo

Phần lễ kết thúc bằng nghi thức người uy tín mang đầu heo khỏi bàn dâng lễ và đặt vào nhà rông tượng trưng. Theo các già làng bon Bu Prâng thì trước đây, tùy vào sản phẩm lúa thu được từng năm mà làm lễ lớn hay nhỏ.

Nếu năm nào bon làng thu hoạch được hơn 100 gùi lúa thì bà con sẽ làm tế lễ bằng con trâu, còn nếu năm nào thu hoạch dưới 100 gùi lúa thì vật tế lễ làm bằng heo. Đây cũng là lễ hội cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, cuộc sống ấm no của người đồng bào M’nông trên vùng đất truyền thống sản xuất nông nghiệp lúa rẫy, lúa nước…

Lễ cúng mưa đầu mùa

Ảnh: Hồ Mai

Còn tại huyện Tuy Đức, đồng bào dân tộc M’nông cũng đã tái hiện Lễ cúng mưa đầu mùa truyền thống. Đây là một nghi lễ quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của người M’nông. Lễ cúng tạo mối quan hệ đoàn kết cộng đồng cùng thiên nhiên.

Theo quan niệm của người M’nông, mưa đầu mùa là cơn mưa độc nên cần tổ chức lễ cúng cầu may, giải độc. Lễ cúng thường được tổ chức khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, sau lễ cúng mọi người không được đi khỏi bon làng trong 4 ngày.

Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức già làng đặt một quả bí kỳ nam tại cổng nhà văn hóa cộng đồng bon với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ vào bon hại dân làng. Tiếp đó, già làng lấy huyết heo bôi lên cây pubesem’blá đặt ở giữa nhà rông để mời thần linh về chứng giám.

Sau khi báo với các thần linh về dự lễ cúng, già làng thông báo với bà con trong bon về lễ cúng mưa đầu mùa. Nghi lễ kết thúc khi già làng mời con trai, con gái của bon làng đánh chiêng, múa hát mừng lễ hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hấp dẫn các lễ hội truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO