Gửi gắm vào tiếng đàn, tiếng hát, điệu múa mang niềm tự hào dân tộc!

Hoàng Bảo| 08/11/2019 09:37

Tại Đêm hội Văn hóa các dân tộc tỉnh chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông lần thứ III-năm 2019 mới đây, các nghệ nhân, đồng bào đã giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa của các dân tộc trong tỉnh đến đông đảo công chúng.

ADQuảng cáo

Các nghệ nhân xã Trường Xuân (Đắk Song) biểu diễn cồng chiêng của người M'nông tại Đêm hội Văn hóa các dân tộc tỉnh năm 2019

Mang đậm dấu ấn riêng

Tham gia Đêm hội, Câu lạc bộ Liên thế hệ Người cao tuổi Nhân Cơ (Đắk R’lấp) đã mang đến cho người nghe những tiết mục đàn Tính, hát Then đặc sắc mang đậm dấu ấn dân tộc Tày. Chị Nguyễn Thị Duyên, thành viên Câu lạc bộ cho biết: “Càng luyện tập càng thấy hay, nhất là rèn được kỹ năng đánh đàn, múa, hát nên hăng say lắm. Chúng tôi bây giờ có thể hát mọi lúc, mọi nơi và khi cất tiếng hát ai cũng biết đó là bài hát của người Tày mình, nên tự hào lắm”.

Được thành lập từ năm 2018, Câu lạc bộ hiện có 14 thành viên và hàng tuần đều đặn luyện tập để nâng cao chất lượng. Những bài hát đều toát lên tình yêu quê hương, niềm tin sắt son với Đảng, với Bác Hồ của người dân tộc Tày. Mỗi khi trình diễn, đồng bào đều gửi gắm vào trong tiếng đàn, tiếng hát, điệu múa mang niềm tự hào dân tộc sâu sắc, không lẫn vào đâu được.

Đội Khua luống đến từ xã Nam Xuân (Krông Nô) biểu diễn tại Đêm hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Nông

Theo đa số các thành viên trong Câu lạc bộ, mỗi ngày không hát được một bài Then thì thấy thiếu hương vị lắm. Lao động mệt cũng hát, vui mừng cũng hát, hát cho cuộc sống bớt vất vả, quên đi mệt mỏi và để động viên mình nỗ lực hơn trong cuộc sống. Hiện nay, đàn Tính, hát Then đã trở thành phong trào ăn sâu trong tiềm thức của hầu hết người dân tộc Tày ở xã Nhân Cơ. Họ không chỉ hát khi biểu diễn trên sân khấu mà còn hát mọi lúc, mọi nơi, hát trên những cánh đồng, nương rẫy…

Có mặt tại Đêm hội, tiếng chiêng, tiếng khua luống của dân tộc Thái đến từ xã Nam Xuân (Krông Nô) cũng làm rộn rã lòng người. Theo bà con, khua luống có từ thời rất xa xưa và được bắt nguồn từ việc giã gạo mà nên. Hễ là người Thái biết cầm chày giã gạo thì đều biết khua luống, nhất là con gái Thái.

Đặc biệt, khua luống thường kết hợp với trống, chiêng. Khi các thành viên khác khua luống thì cần có một người đánh trống và một người đánh chiêng. Khua luống, chiêng thường được  đồng bào trình diễn mừng mùa màng bội thu, các dịp lễ hội tươi vui và thể hiện truyền thống, dấu ấn văn hóa dân tộc mình không lẫn vào đâu được.

ADQuảng cáo

Để Khua luống hay thì trống, chiêng là dụng cụ không thể thiếu

Nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc

Qua Đêm hội đã phần nào chứng minh về sự quan tâm của tỉnh, các địa phương trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

Đắk Nông hiện có khoảng 40 dân tộc cùng sinh sống và mỗi dân tộc đều mang bản sắc văn hóa của mình. Để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, tỉnh đã có nhiều chính sách như Đề án “Bảo tồn phát huy lễ hội-hoa văn-cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc tại chỗ tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2010-2015”, Đề án “Sưu tầm, bảo tồn phát huy giá trị hiện vật lịch sử, văn hóa tỉnh Đắk Nông đến năm 2015, định hướng 2020”.

Câu lạc bộ Liên thế hệ Người cao tuổi Nhân Cơ (Đắk R’lấp) biểu diễn trong Đêm hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Nông

Từ các đề án, tỉnh đã khôi phục một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như lễ mừng mùa, lễ mừng lúa mới, lễ cưới của người M’nông, lễ cúng mừng sức khỏe, lễ phát rẫy... Tỉnh cũng đã đầu tư mua 150 bộ chiêng, 15 bộ goong, 384 bộ trang phục của người M’nông và người Ê đê, 232 đai chít đầu, 189 bộ nhạc cụ, 2 bộ đàn T’rưng, 1 bộ đàn Cing K’ram 2 dàn, 1 bộ đàn đinh Fălt… cấp cho cơ sở bảo quản và trình diễn…

Toàn tỉnh hiện có 12 nghệ nhân nhớ và hát kể được Ot N’drong M’nông; 301 nghệ nhân biết và hát những làn điệu dân ca; 698 nghệ nhân biết diệt thổ cẩm truyền thống; 53 nghệ nhân biết làm cây nêu truyền thống; 363 nghệ nhân biết đan lát truyền thống của dân tộc mình; 106 nghệ nhân biết và kể được truyện cổ; 139 nghệ nhân biết kể luật tục và phong tục tập quán truyền thống của cộng đồng; 69 nghệ nhân biết và sử dụng đàn Tính-hát Then.

Đối với Đề án “Sưu tầm, bảo tồn phát huy giá trị hiện vật lịch sử, văn hóa tỉnh Đắk Nông đến năm 2015, định hướng 2020”, đến nay, toàn tỉnh đã sưu tầm được trên 3.000 hiện vật thuộc các lĩnh vực lịch sử, văn hóa dân tộc, khảo cổ học, ảnh thời sự; tổ chức trên 30 đợt trưng bày với hơn 6.000 lượt hiện vật, hình ảnh; khai quật được 160 hiện vật khảo cổ; xây dựng 7 bộ sưu tập hiện vật văn hóa dân tộc có giá trị lịch sử và thẩm mỹ.

Ngoài các chính sách, đề án, hàng năm tỉnh và các địa phương, đơn vị còn thường xuyên tổ chức các chương trình, hội thi văn hóa, văn nghệ, qua đó khích lệ, động viên đồng bào giữ gìn, phát huy văn hóa của các dân tộc, lưu truyền cho thế hệ mai sau.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gửi gắm vào tiếng đàn, tiếng hát, điệu múa mang niềm tự hào dân tộc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO