Gửi gắm niềm đam mê, tâm huyết vào từng cây đàn Tính

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền| 18/01/2019 09:17

Xã Đắk Sôr (Krông Nô) phần lớn là đồng bào dân tộc Tày sinh sống và rất nhiều người biết hát Then-làn điệu dân ca của dân tộc Tày - Nùng. Đặc biệt, ông Nông Thanh Độ ở thôn Nam Cao còn có khả năng chế tác đàn Tính, vừa phục vụ bà con vừa giữ nghề và góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa đặc sắc của người Tày trên quê hương mới.

ADQuảng cáo

Ông Nông Thanh Độ gửi gắm tâm huyết vào từng cây đàn Tính

Chất liệu tự nhiên

Cây đàn Tính thoạt nhìn rất đơn giản, gọn nhẹ nhưng để làm ra nó là cả một quá trình đòi hỏi sự am hiểu và cảm nhận tinh tế. Đàn Tính được làm hoàn toàn từ các chất liệu tự nhiên. Thân đàn được làm từ cây lồng mức mới bảo đảm không bị cong vênh, vừa có độ nhẹ và bền. Cây lồng mức lấy về được bào nhẵn, chà giấy nhám cho láng, phủ sơn và khắc hoa văn. Qua hoa văn khắc trên đàn có thể nhận biết được kinh nghiệm, sự khéo léo của nghệ nhân. Dây đàn gồm ba sợi dây cước có bán sẵn trên thị trường nhưng phải bảo đảm kích cỡ quy định của dây tiền, dây hậu và dây chung.

Bầu đàn được làm từ quả bầu người Tày mang giống từ Cao Bằng vào trồng. Việc chọn lựa quả bầu để làm cũng không đơn giản, vừa đủ độ già, độ dày và kích cỡ thì âm mới chuẩn. Nếu quả bầu quá to thì âm sẽ bị um, quả bầu nhỏ thì âm không vang. Mỗi yếu tố đều quyết định độ chuẩn âm của cây đàn. Quan trọng nữa là quá trình cắt quả bầu phải khéo léo, không để nứt, ảnh hưởng đến độ giữ âm.

Quả bầu già lấy về được để khô sẽ có màu đẹp tự nhiên, nếu người dùng không thích sơn. Nếu muốn bóng, mịn hơn, người làm đàn có thể luộc qua với nước vôi. Với cách này cũng phù hợp khi cần có nguyên liệu gấp. Theo ông Độ, nguyên liệu khó tìm nhất là nắp bầu, phải là chất liệu từ cây vông mới có âm, nhưng hiện nay cũng không còn nhiều.

Những cây đàn do ông Nông Thanh Độ (bên trái) chế tác được bà con sử dụng trong sinh hoạt gia đình và các lễ hội

ADQuảng cáo

Thả “hồn” vào từng cây đàn

Với tay nghề điêu luyện, ông Độ chế tác cây đàn Tính trong khoảng 3 ngày, chưa kể thời gian tìm nguyên liệu. Vì đam mê, ban đầu ông tự làm đàn để sử dụng và phục vụ cho bà con trong thôn xóm sinh hoạt. Dần dần, các nghệ nhân, người hát Then quanh vùng biết đến, bởi đàn Tính do ông làm luôn có đặc trưng riêng về âm thanh. Nhiều người cho rằng, do ông Độ hát Then cũng hay lại biết làm đàn từ thời thanh niên nên có sự cảm nhận tinh tế. Ông chỉnh âm rất chuẩn, làm cho tiếng đàn càng ấm và truyền cảm hơn. Gần như hầu hết người hát Then trong xã đều nhờ ông chỉnh âm cho đàn Tính.

Từ chỗ phục vụ sinh hoạt, khi nhu cầu nhiều, ông bắt đầu chế tác và bán với giá vừa phải để giúp nhiều người tham gia hát Then hơn. Thậm chí, nhiều nghệ nhân ở các tỉnh thành khác như Lâm Đồng, Đắk Lắk và cả Cao Bằng cũng đến đặt hàng nơi ông. Đến thời điểm này, ông đã làm được khoảng 200 chiếc đàn Tính.

Ông Độ tâm sự: “Không chỉ đơn thuần để bán mà mỗi cây đàn đối với tôi đều là sự gửi gắm niềm đam mê, tâm huyết, như đứa con tinh thần của mình. Tôi không làm nhiều nhưng đã làm thì phải đạt chất lượng tốt nhất, chỉnh âm chuẩn. Hiện nay ngày càng có nhiều người có nhu cầu sử dụng đàn Tính nên tôi cũng rất vui. Tôi còn mong muốn sẽ làm được nhiều hơn để trưng bày, giới thiệu ở các điểm du lịch, góp phần làm cho tiếng hát Then luôn được lưu truyền”.

Ông Hoàng Văn Môn, một người đam mê hát Then ở thôn Nam Cao cho biết: “Không chỉ kỹ về hình thức mà mỗi cây đàn Tính do ông Độ chế tác đều là sự tâm huyết nên có âm rất chuẩn. Nhờ có ông Độ làm đàn nên số lượng người hát Then trên địa bàn ngày càng nhiều hơn. Bản thân ông Độ cũng là người hát Then giỏi nên ai cũng ngưỡng mộ tài làm đàn và tài hát của ông. Nhiều người cho con cháu đến học hỏi và đã dần biết hát Then”.

Bà Nông Thị Bường (vợ ông Độ) cũng là người hát Then giỏi và là bạn đồng hành cùng ông trong những điệu Then. Đó cũng là một trong những lý do khiến ông Độ càng đam mê hơn trong việc chế tác ra những cây đàn Tính chuẩn xác.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gửi gắm niềm đam mê, tâm huyết vào từng cây đàn Tính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO