Giúp đồng bào giữ gìn nghề dệt thổ cẩm

Mỹ Hằng| 18/07/2018 10:08

Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê…Được sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất của chính quyền, cơ quan văn hóa, những năm gần đây, một số địa phương trong tỉnh đã tổ chức các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, với các học viên là chị em tham gia, mang lại những dấu hiệu khả quan cho việc khôi phục nghề truyền thống của dân tộc.

ADQuảng cáo

Dệt thổ cẩm là công việc thường xuyên của chị em bon Bu Kóh vào lúc nông nhàn

Thấy rất thích và tự hào lắm!

Ở bon Bu Kóh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) hiện nay, các bà, các mẹ vẫn còn yêu thích nghề dệt thổ cẩm, với mong muốn duy trì, giữ gìn “cái hồn” của dân tộc.

Chị Thị Huynh cho biết: “Trước đây, tôi không biết dệt thổ cẩm đâu, mỗi lần đến nhà các bạn trong bon thấy người khác dệt tôi thích lắm. Năm 2013, khi xã tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Sau 3 tháng học tập, tôi đã có thể dệt nên những tấm vải mình yêu thích”.

Chị Thị Nga cũng phấn khởi nói: “Chưa học thì thấy khó, khi biết rồi thì cũng đơn giản thôi. Chỉ sau vài tháng tham gia lớp học, tôi đã có thể dệt được những vật dụng dùng cho bản thân và gia đình, không phải đi mua như trước nữa. Tự tay dệt cho mình những sản phẩm thổ cẩm bền đẹp, tôi cảm thấy rất thích và tự hào lắm”.

Theo chị Thị Ai - người được mời làm “cô giáo” truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho các học viên, hiện nay, các loại sợi chỉ được bày bán trên thị trường nên mua về dệt rất thuận tiện. Chỉ ngoài chợ có đủ màu sắc, vừa bền đẹp lại vừa rẻ. Người dệt mua chỉ màu về để dệt hoa văn cạp váy, còn thân váy là vải đen được may nối vào. Chị Thị Ai cho biết: “Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng thấy các chị em trên địa bàn hăng hái tham gia học nghề, tôi thấy vui lắm. Vui ở đây không chỉ dừng lại ở việc đi dạy có thêm phụ cấp mà là thấy được nghề truyền thống của dân tộc đang dần được khôi phục và phát triển”.

Theo bà Lê Thị Thanh Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk R’tíh, từ năm 2010 đến nay, được sự quan tâm của chính quyền, ngành chức năng, xã đã mở được 32 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm. Mỗi lớp học kéo dài trong khoảng 3 tháng, thu hút rất nhiều chị em tham gia học hỏi, nâng cao tay nghề. Tất cả các chị em sau khi được học nghề đều tự trang bị cho mình một khung cửi, những lúc rảnh rỗi lại say sưa dệt nên những sản phẩm thổ cẩm.

Nhờ tham gia lớp truyền dạy dệt thổ cẩm do địa phương tổ chức, bạn Thị Nga ở bon Bu Kóh đã biết dệt những sản phẩm mà mình yêu thích

Chuyên làm nghề cũng sống được

ADQuảng cáo

Tại buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút), đồng bào Ê đê cũng đã trở lại với nghề dệt thổ cẩm, mỗi gia đình đều có từ 1-2 khung dệt. Ban ngày bà con lên rẫy chăm bón cây trồng, ban đêm về tranh thủ dệt vải. Điều đáng mừng là chị em trong buôn không chỉ làm được các sản phẩm đơn giản mà một số loại phức tạp như khăn choàng, áo gối, vải trải bàn cũng được thực hiện một cách thành thục, với những hoa văn đặc sắc, đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình. Một số sản phẩm dệt đẹp, đạt chất lượng tốt, được huyện chọn đưa đi trưng bày tại các hội chợ, triển lãm.

Chị H’Đá ở buôn Nui phấn khởi nói: “Nếu chuyên làm nghề dệt thì cũng sống được, một bộ áo váy có giá khoảng 350.000 đồng, dệt trong khoảng 4-5 ngày, trừ tiền vốn mua sợi chỉ cũng còn được 280.000 đồng tiền công. Nếu mỗi tháng dệt được 5 bộ thì cũng có được chừng hơn 1 triệu đồng”.

Chị H’Len  ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng cũng cho biết: “Nhờ tham gia lớp truyền dạy nghề do địa phương tổ chức nên tôi đã biết dệt thổ cẩm. Nhìn những người thân trong gia đình mặc những chiếc áo, chiếc váy do chính bản thân mình tạo ra, tôi hạnh phúc vô cùng”.

Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 1.000 phụ nữ dân tộc M’nông từ 18 tuổi trở lên thì đã có đến 100 người biết dệt thổ cẩm. Một điều đáng mừng là hơn 70% chị em trong số này là lớp trẻ, từ 18-30 tuổi. Với việc ngày càng có nhiều bạn trẻ biết dệt thổ cẩm, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cũng gặp nhiều thuận lợi.

Giúp đồng bào sống được với nghề truyền thống

Không chỉ có các xã Đắk R'tíh, Tâm Thắng mà các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Cùng với tích cực tuyên truyền, vận động bà con tích cực giữ nghề, các địa phương còn phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp truyền dạy thổ cẩm cho đồng bào, tập trung vào lớp trẻ.

Dưới sự chỉ dạy tận tình của đội ngũ nghệ nhân giàu kinh nghiệm, các học viên tiếp cận rất nhanh. Một số học viên sau khi tham gia lớp học đã tự dệt nên các sản phẩm phục vụ cho gia đình, thậm chí bán cho những ai có nhu cầu để kiếm thêm thu nhập.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong khuôn khổ thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống các dân tộc tại chỗ tỉnh”, ngành cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp truyền dạy dệt thổ cẩm và thu hút đông đảo học viên là chị em tham gia. Thông qua đó, đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê đã tiếp nối và bảo tồn được nhiều hoa văn độc đáo, mang bản sắc đặc trưng của dân tộc mình.

Việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh bước đầu có tín hiệu khả quan, song cũng có những vấn đề đặt ra cần giải quyết, đó là làm sao để đồng bào sống được với nghề và giữ nghề. Do đó, các ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho lớp trẻ ở bon làng và nhất là tạo điều kiện, tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp đồng bào giữ gìn nghề dệt thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO