Giữ niềm đam mê với nghề dệt thổ cẩm

H’Mai – Hà Thanh| 14/02/2020 08:34

Giữa thực trạng văn hóa truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang dần mai một thì việc nhiều phụ nữ vẫn còn giữ nghề dệt thổ cẩm là một trong những “điểm sáng” đáng quý. Tại xã Tâm Thắng (Cư Jút), phụ nữ Ê đê nơi đây vẫn luôn tâm huyết trong việc giữ gìn, phát huy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Những lúc nông nhàn, họ tranh thủ bên khung dệt miệt mài tạo nên những tấm vải may áo, váy, túi, chăn... vô cùng độc đáo. Sản phẩm thổ cẩm làm ra phục vụ nhu cầu may mặc trong gia đình, vừa đem bán để tăng thêm nguồn thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây.

ADQuảng cáo

Hơn 40 năm ngồi miệt mài bên khung cửi

Nửa đời người ngồi bên khung dệt, bà H’Ngọt Nie, sinh năm 1954 ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Cư Jút) không còn nhớ rõ tấm vải đầu tiên mình dệt được là khi nào. Bà là một trong những người có thâm niên nhất trong nghề dệt thổ cẩm ở địa phương. Năm nay đã hơn 65 mùa rẫy, thế nhưng đôi mắt bà vẫn sáng, đôi tay khéo léo dệt nên những tấm thổ cẩm hoa văn tinh xảo trông thật đẹp mắt.

Ngay từ nhỏ, bà đã được mẹ dạy cách se chỉ, nhuộm màu, dệt túi vải, khăn, địu, khố... rồi đến những tấm chăn, tấm vải phục vụ cho gia đình. Nhiều lúc, có những tấm vải thổ cẩm phải dệt cả tháng với những hoa văn khó, độc đáo để dành cho những dịp quan trọng của gia đình như: Lễ dạm hỏi, lễ cưới, lễ kết nghĩa anh em… Cứ thế, dệt thổ cẩm ăn sâu vào tâm thức, máu thịt và trở thành một việc làm không thể thiếu trong đời sống của bà.

Phụ nữ Ê đê xã Tâm Thắng đam mê dệt thổ cẩm truyền thống

Để có được tấm vải thổ cẩm đẹp đòi hỏi người dệt phải làm rất nhiều công đoạn. Tất cả mọi khâu được làm thủ công hết sức tỉ mỉ. Chỉ bằng những công cụ thô sơ, đơn giản, phụ nữ Ê đê khéo léo, kiên trì lồng từng sợi chỉ cùng sự sáng tạo không ngưng nghỉ đã làm nên những giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc ấy. Trước đây, nguyên liệu để dệt nên tấm thổ cẩm của người Ê đê được làm từ sợi bông và màu sợi nhuộm bằng vỏ cây. Người Ê đê chọn tông màu đen và đỏ làm màu chủ đạo trên thổ cẩm của mình. Hoa văn thường là hình ảnh cây, hoa, lá, công cụ lao động sản xuất, con vật nuôi hằng ngày đến chim, muông thú trong rừng… Đó là những mong ước cuộc sống được bình an, sự gắn bó với thiên nhiên, núi rừng nhuộm màu đất đỏ bazan...

Cùng chung một chí hướng và niềm đam mê trong việc giữ nghề dệt thổ cẩm của bà H’Ngọt Nie, thì Nghệ nhân ưu tú H'Đá Êya, ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) tài hoa trong việc tạo nên những tấm thổ cẩm có giá trị hoa văn đẹp, đã hơn 40 năm gắn bó với nghề, dệt thổ cẩm trở thành niềm đam mê. Đôi bàn tay khéo léo của bà đã dệt nên rất nhiều sản phẩm thổ cẩm tinh tế, độc đáo, mang đậm bản sắc của dân tộc, kỹ thuật điêu luyện, tạo nhiều hoa văn khó, khi giăng 15 sợi chỉ tạo hoa văn. Đây được xem là một kỹ thuật khó trong dệt thổ cẩm của người Ê đê. Bà H'Đá Êya là một trong những “người thầy” luôn tâm huyết dạy nghề dệt thổ cẩm cho nhiều thế  thế hệ trẻ trong tỉnh.

Nghệ nhân ưu tú H'Đá Êya, Tổ trưởng THT dệt thổ cẩm chia sẻ về các sản phẩm thổ cẩm cho thế hệ trẻ Ê đê. Ảnh: H'Mai

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

ADQuảng cáo

Ba năm nay, chị H’Úc, sinh năm 1987, ở buôn Trum, xã Tâm Thắng (Cư Jút) tự hào vì tự tay mình đã dệt được bộ váy áo thổ cầm truyền thống của dân tộc mình để mặc mỗi khi buôn làng, địa phương có các sự kiện lớn hay dịp lễ quan trọng. Tham gia lớp học dệt thổ cẩm tại địa phương, mất 3 tháng chị biết dệt những đường cơ bản, làm nên tấm vải giản đơn. Sau một năm, chị đã thông thạo nghề, từ dệt những sản phẩm thổ cẩm đơn giản như khăn, túi cho đến những sản phẩm phức tạp, đòi hỏi sự tinh tế trên từng đường nét hoa văn như váy, áo, chăn… Việc tự tay tạo ra những sản phẩm thổ cẩm của riêng mình, cho gia đình là sự khởi đầu, thúc đẩy chị trong việc giữ nghề dệt thổ cẩm của người Ê đê.

Đã có thời điểm, nghề dệt thổ cẩm nơi đây đứng trước nguy cơ mai một do lớp trẻ chẳng mấy người hiểu về sự quan trọng và quan tâm học nghề. Thế nhưng, với niềm đam mê nên các bà, các mẹ và nghệ nhân trong buôn đã chỉ dạy dệt thổ cẩm cho các em ngay từ khi còn nhỏ, chị H’Đram Priêng, sinh năm 1994 ở buôn Nui đã trở thành một trong những phụ nữ Ê đê trẻ tuổi nhưng dệt thổ cẩm giỏi. Với chị, hình ảnh các bà, các mẹ trong buôn ngày ngày ngồi bên khung dệt, miệt mài với từng đường tơ, sợi chỉ để làm nên những bộ váy đẹp đã in sâu trong tâm thức nên không ngần ngại học hỏi cách dệt, những hoa văn truyền thống của các nghệ nhân lớn tuổi. Đến nay, chị trở thành một trong những người nối nghiệp dệt thổ cẩm của đồng bào nơi đây.

Du khách thích thú với trang phục và các sản phẩm thổ cẩm cách tân do phụ nữ Ê đê xã Tâm Thắng dệt nên

Lưu giữ nét đẹp trong văn hóa truyền thống

Theo ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, hiện nay trên địa bàn xã có gần 40 chị em biết dệt thổ cẩm, sinh sống tập trung ở các buôn Trum, buôn Nui, buôn Êa Pô và buôn Buôr. Trong đó đã thành lập một THT dệt thổ cẩm do nghệ nhân H'Đá Êya làm tổ trưởng. Bằng niềm đam mê và mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, phát huy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình, Nghệ nhân ưu tú H'Đá Êya đã đầu tư công sức, thời gian cho nghề.

Đặc biệt, bà đã thành lập Tổ hợp tác (THT) dệt thổ cẩm tại địa phương. THT dệt thổ cẩm do bà làm tổ trưởng với khoảng 10 thành viên thường xuyên hoạt động. Các thành viên là những phụ nữ Ê đê đam mê nghề dệt thổ cẩm hay những học trò được bà truyền dạy nghề, tập trung nhiều nhất ở buôn Nui. Không chỉ thỏa được niềm đam mê, yêu thích mà việc dệt thổ cẩm còn giúp những người phụ nữ Ê đê nơi đây như chị H’Joon, H’Vun, H’Viên, H’Đram… tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Chị H’Viên, sinh năm 1976 ở buôn Nui chia sẻ: “Lúc nông nhàn, mình sẽ tranh thủ dệt vải để dành cho gia đình sử dụng, nếu có người cần đặt hàng mình cũng dệt để bán, tăng thêm thu nhập. Mấy năm nay mình cũng tham gia vào Tổ hợp tác dệt thổ cẩm, khi cần mọi người ở đây sẽ dệt liên tục để mau chóng có sản phẩm cho khách hàng”.

Sản phẩm thổ cẩm hiện nay được các nghệ nhân xem là một loại hàng hóa thực sự. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng cao sức cạnh tranh, các sản phẩm thổ cẩm của THT như váy, túi, khăn, vỏ chăn, vỏ ga, gối, quần áo... được đổi mới mẫu mã, phong phú, đa dạng hơn trong kết hợp màu sắc. Cùng với sự hỗ trợ của các sở, ngành trong việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, tích cực quảng bá các sản phẩm thổ cẩm qua nhiều kênh, triển lãm, lễ hội...  trong và ngoài tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ niềm đam mê với nghề dệt thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO