Giải pháp nào để phát triển bền vững du lịch sinh thái thác nước ?

Đức Hùng| 16/03/2018 10:40

Thác nước được xem là sản phẩm du lịch giàu tiềm năng của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều nguyên nhân mà sản phẩm du lịch này đang mất dần lợi thế vì các thác nước phải đối mặt với sự suy giảm lưu lượng nước khá nghiêm trọng vào mùa khô.

ADQuảng cáo

Hầu hết thác suy giảm lưu lượng nước

Những năm gần đây, mùa khô Tây Nguyên đang ảnh hưởng trực tiếp tới sản phẩm du lịch sinh thái thác nước. Những thác nước hùng vĩ trở thành những dòng chảy róc rách và có thời điểm thác không còn nước chảy. Trong khi đó, mùa khô là mùa du lịch, mùa du khách đi “trốn nóng” và du lịch sinh thái thác nước là một trong những sự lựa chọn không thể tuyệt vời hơn. Nhưng hiện nay, du lịch thác nước vào mùa khô đang gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với việc suy giảm lượng nước. Thác không còn nước thì dĩ nhiên không còn sự hùng vĩ và vẻ đẹp quyến rũ vốn có.

Thác Liêng Nung đầu mùa khô

Thác Liêng Nung nằm ở bon N'Jriêng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa. Thác có độ cao khoảng 30 m. Thượng nguồn của thác bắt nguồn từ sông Đắk R’tíh nhánh của sông Đồng Nai đổ về. Dù đang ở dạng tiềm năng khai thác du lịch nhưng những năm gần đây, lượng nước của dòng chảy giảm nghiêm trọng. Có những thời điểm, dòng thác này không còn nước chảy, trở thành "thác chết". Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua, tuy chưa phải cao điểm của mùa khô nhưng lượng nước của thác đã suy giảm rất nhiều, khiến nhiều du khách đến đây cảm thấy hụt hẫng.

Tương tự, dòng thác Lưu Ly (xã Nâm N’Jang, Đắk Song) nằm ở vị trí khá thuận lợi để du khách thực hiện chuyến hành trình phượt khám phá Tây Nguyên. Đây được xem là điểm dừng chân lý tưởng và đầy thú vị của du khách. Nhưng hiện nay, mới bắt đầu mùa khô ở Đắk Nông nhưng dòng chảy của thác suy giảm mạnh, thác chỉ còn lại một dòng nước nhỏ. Cái âm thanh ào ào thác đổ được thay bằng tiếng róc rách buồn đến nao lòng. Nếu ai đó đứng giữa chân thác lúc này sẽ không khỏi ngậm ngùi, hụt hẫng bởi sự hùng vĩ của thác nước không còn. Hình ảnh đẹp đẽ được lưu lại trong những baner quảng cáo so với hiện thực đã làm không ít du khách khi đến đây cảm thấy thất vọng.

Lượng nước thác Lưu Ly giảm mạnh vào mùa khô

Sự suy giảm thấy rõ nhất là dòng thác khói Đ'ray Sáp, xã Đắk Sôr (Krông Nô). Thác đã từng có dòng chảy phủ rộng lên đến 100 m. Đi dưới chân thác, du khách tận hưởng những lớp sương mờ phủ kín như khói. Đứng phía chân thác cầm máy ảnh chỉ chụp được 1 tấm ảnh là ống kính đã bị sương làm mờ đi. Nhưng đó là hình ảnh của những năm trước đây, còn hiện nay, thác chỉ có hai dòng chảy với lượng nước không nhiều. Khi dòng thác không còn phủ rộng, lượng nước giảm thì hình ảnh thác khói cũng dần mất đi.

ADQuảng cáo

Anh Đậu Bá Quý, nhân viên phụ trách Phòng Kinh doanh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Liên Thành, đơn vị khai thác điểm du lịch thác Đ’ray Sáp (xã Đắk Sôr, Krông Nô) cho hay: Mặc dù thời gian qua, Công ty đã đầu tư thêm nhiều hạng mục công trình để thu hút khách như khách sạn, nhà nấm, nhà dài, nhà hàng, vườn thú…  nhưng do Thác "khói" đã không còn "khói" nên ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược kinh doanh, giới thiệu thác nước của đơn vị. 

Không chỉ thác Đ'ray Sáp, thác Gia Long mà thác Trinh Nữ gần đó giờ cũng mất vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của những năm về trước do lượng nước thượng nguồn bị ngăn dòng phục vụ công trình thủy điện.

Ðể khắc phục tình trạng trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các nhà máy thủy điện nghiên cứu, có phương án cung cấp nước vùng hạ du nhằm phát triển hài hòa giữa vận hành các nhà máy thủy điện và xả nước để bảo đảm lưu lượng của các thác nước đặc biệt là vào mùa khô. Các nhà đầu tư cần xây dựng đập ngăn nước và xây dựng các hồ để bảo đảm lưu lượng nước, đồng thời trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn để khôi phục hệ sinh thái rừng.

Lợi thế đang dần "yếu" thế

Theo bà Vũ Thị Ái Duyên, Giám đốc Sở VHTT&DL thì thời gian qua, cũng như các thác nước ở các tỉnh Tây Nguyên, các thác nước ở Đắk Nông cạn kiệt nước, đặc biệt là vào mùa khô. Ngoài biến đổi khí hậu, việc khai thác rừng đầu nguồn, khai thác cát và xây dựng các thủy điện cũng là nguyên nhân làm cạn kiệt các thác nước. Ví dụ thác Trinh Nữ, thác Đ'ray Sáp, Gia Long cạn nước là do việc xây dựng thủy điện Buôn Kuốp; thác Liêng Nung là do tình trạng phá rừng đầu nguồn; thác Lưu Ly là do phá rừng, khai thác cát ở thượng nguồn… Từ đây, những thác nước hùng vĩ, thơ mộng vốn có lợi thế để thu hút, khai thác du lịch thì nay đang dần trở thành "yếu" thế. 

Ngoài những thác nước có độ chênh lệch mực nước vào mùa khô và mùa mưa như đã nêu trên, Đắk Nông còn nhiều thác nước đẹp, có nước quanh năm như: Thác Gấu, thác Len Gun,… Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành, đơn vị tham mưu lập quy hoạch phát triển du lịch tại những khu vực này để có hướng bảo vệ, khai thác, phát huy tiềm năng du lịch và đa dạng hóa sản phầm du lịch địa phương.

Hiện nay, nguồn kinh phí để khôi phục, bảo đảm dòng chảy cho các thác nước là rất lớn, gây khó khăn trong việc tái tạo, khắc phục. Vì vậy, việc đưa ra những giải pháp đồng bộ, căn cơ nhằm bảo vệ các thác nước đang là vấn đề đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào để phát triển bền vững du lịch sinh thái thác nước ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO