Đừng đánh mất giá trị truyền thống của lễ hội

Mỹ Hằng| 04/03/2016 13:51

Theo thống kê, tỉnh ta có hơn 40 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống nên hàng năm có hàng trăm lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức khắp các bon làng.

ADQuảng cáo

Những lễ hội này không chỉ góp phần phát huy giá trị truyền thống mà còn là tài sản phi vật thể vô giá của con người. Đặc biệt, các lễ hội thường được diễn ra vào mùa xuân, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham dự và trở thành nét đẹp văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Việc tổ chức lễ hội cần tuân thủ các nghi thức truyền thống, mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc

Vì lễ hội là một hình thức sinh hoạt cộng đồng nên nó mang trong mình cả những ưu điểm lẫn nhược điểm. Về ưu điểm, những năm gần đây, việc tổ chức lễ hội đã được chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện về công tác tổ chức cũng như kiện toàn ban tổ chức lễ hội.

Theo đó, trước khi tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương đều tổ chức họp ban tổ chức lễ hội để thống nhất về nội dung, chương trình lễ hội. Đồng thời, các bộ phận như công an viên, dân quân, tự vệ, cán bộ văn hóa cũng được giao nhiệm vụ về trang trí, khánh tiết, bảo đảm an ninh trật tự.

ADQuảng cáo

Riêng Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định trong lễ hội. Bản thân người dân đến với lễ hội cũng có thái độ, trách nhiệm cao hơn trong việc bảo vệ những giá trị văn hóa cổ truyền thiêng liêng của dân tộc...

Tuy vậy, phải nhìn nhận là có một thực tế rằng, hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như việc đốt nhiều vàng mã vẫn còn phổ biến; công tác giữ gìn vệ sinh môi trường chưa được duy trì thường xuyên; xuất hiện tình trạng buôn bán hàng rong gây phản cảm; không gian cho hoạt động diễn tấu cồng chiêng, môi trường diễn xướng khấn tạ thần linh ngày càng bị thu hẹp...

Vì vậy, tại một số lễ hội truyền thống của người M’nông, Ê đê, Mạ... trên địa bàn tỉnh được chính quyền hỗ trợ tổ chức đã xảy ra hiện tượng “khấn, hát nhép”, “đánh nhép” cồng chiêng... Một số lễ hội đã dần biến tướng, na ná giống nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác nên đã làm mất dần đi tính linh thiêng của lễ hội và đó cũng là một thực trạng đáng buồn.

Lễ hội là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, bao đời nay đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Lễ hội là dịp con người trở về với nguồn cội, thể hiện sức mạnh cộng đồng và cũng là nơi hưởng thụ giá trị vật chất cũng như tinh thần của nhân dân.

Thông qua hoạt động lễ hội cũng góp phần giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc theo từng cách riêng, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi, thi tài mang tính lành mạnh, giải trí. Vì vậy, đừng đánh mất giá trị văn hóa truyền thống của các lễ hội là một vấn đề cần phải được đặt ra một cách nghiêm túc. Đặc biệt, khi phục dựng lễ hội, nhất thiết phải xác định các giá trị gốc, tiêu chí nhận dạng cũng như những biểu hiện đặc trưng của lễ hội, tránh làm sai lệch lễ hội mỗi lần khai thác.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng đánh mất giá trị truyền thống của lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO