Du lịch Đắk Nông: Không thể nhắc mãi hai chữ “tiềm năng”

Vũ Hà| 03/07/2017 09:53

Là vùng đất có khí hậu quanh năm mát mẻ, tài nguyên tự nhiên khá phong phú, môi trường sinh thái lý tưởng và nền văn hóa giàu bản sắc, Đắk Nông được đánh giá là tỉnh có tiềm năng du lịch thuộc loại tốt nhất Tây Nguyên. Đặc biệt với những ưu đãi từ thiên nhiên, chắc chắn đầu tư vào du lịch Đắk Nông sẽ ít tốn kém so với nhiều tỉnh thành khác nhưng lại có thể mang đến hiệu quả lớn về mặt kinh tế và xã hội.

ADQuảng cáo

Chưa kể tiềm năng văn hóa, để khai thác tiềm năng tự nhiên và sinh thái, hiện tỉnh ta đã quy hoạch tổng thể và chi tiết các khu, điểm du lịch và đưa vào các danh mục kêu gọi đầu tư, trong đó có 6 khu, điểm du lịch có chủ trương đầu tư gồm: Khu du lịch sinh thái cụm Đray Sáp - Gia Long, xã Đắk Sôr (Krông Nô); Điểm du lịch sinh thái thác Trinh Nữ, thị trấn Ea T’ling (Chư Jút); Điểm du lịch sinh thái thác Đắk G'lun, xã Quảng Tâm (Tuy Đức); Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly và Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên thuộc Khu du lịch sinh thái lịch sử Nam Nung, xã Nâm N’Jang (Đắk Song); Tu viện Liễu quán thuộc Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng, xã Đắk Som (Đắk Glong).

Đặc biệt, với việc phát hiện hang động núi lửa Krông Nô kỳ vĩ gần đây (và hiện chúng ta đang làm hồ sơ công viên địa chất hang động núi lửa Krông Nô đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới) là một tiềm năng du lịch to lớn, hiện hữu.

Thế nhưng, thực tế hiện nay việc khai thác, đầu tư, xây dựng vào các khu, điểm du lịch nói trên rất nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả và đóng góp kinh tế xã hội của ngành du lịch tỉnh nhà là không đáng kể. Du lịch Đắk Nông hiện nay chủ yếu vẫn là "ăn sẵn" vào thiên nhiên, nói rõ hơn là chủ yếu khai thác tự nhiên mà chưa có sự đầu tư xây dựng cần thiết. Một câu hỏi đặt ra là, vì sao Đắk Nông có nhiều lợi thế, nhất là lợi thế về điều kiện tự nhiên và văn hóa, nhưng nhiều năm ngành du lịch vẫn gần như “giẫm chân tại chỗ”, nguyên nhân ở đâu?

ADQuảng cáo

Trước hết Đắk Nông chưa có chiến lược khai thác du lịch một cách rõ ràng. Công tác quản lý Nhà nước về du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế, nhiều dự án thu hút đầu tư vào du lịch chưa mang lại hiệu quả. Về cơ sở hạ tầng nói chung và du lịch nói riêng thấp kém, xuống cấp, chậm được khắc phục. Hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch chưa được đầu tư nâng cấp. Sản phẩm du lịch đơn điệu, các cơ sở tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí quy mô nhỏ lẻ, chưa ấn tượng, chất lượng dịch vụ thấp. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu. Tình trạng xuống cấp và xâm hại tài nguyên du lịch diễn ra ở nhiều nơi. Các hoạt động quảng bá mang tính quốc gia, quốc tế gần như vắng bóng. Đến nay vẫn chưa tổ chức được các đoàn Famtrip của các hãng lữ hành, các tỉnh lân cận để khảo sát, kết nối tour… Tóm lại, du lịch Đắk Nông đang thiếu các yếu tố như chiến lược phát triển, sản phẩm du lịch cụ thể và các hình thức quảng bá du lịch… quá trình đầu tư lại dàn trải, manh mún...

Trong điều kiện và thực trạng ngành du lịch Đắk Nông như nói trên, không thể có sự phát triển một cách bình thường, chứ đừng nói gì đến sự đột phá. Muốn đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh nhà, chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn, mà hãy bắt đầu từ cơ sở nền tảng của nó, trong đó những cái chưa có, chưa làm thì tới đây buộc phải có, phải làm. Vậy điều tới đây chúng ta phải làm là gì?

Cơ sở hạ tầng xã hội của ngành du lịch Đắk Nông là khâu yếu do đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội là trọng yếu. Trong đó, tập trung đầu tư từ ngân sách và nguồn xã hội hóa các tuyến đường giao thông nhằm rút ngắn thời gian di chuyển của du khách khi tiếp cận du lịch. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực xây dựng dịch vụ lưu trú du lịch. Đầu tư sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch Mice, du lịch khám phá, vui chơi giải trí. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, điểm du lịch đã có chủ trương đầu tư. Coi trọng và có chiến lược quảng bá du lịch Đắk Nông ra các thị trường. Tăng cường hợp tác với các tỉnh bạn các đoàn Famtrip để các hãng lữ hành, đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh tiếp cận du lịch Đắk Nông, liên kết tour, tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”.  Củng cố bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch. Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, các đơn vị kinh doanh du lịch. Tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, hạn chế sự tác động đến môi trường. Hoàn thành công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm. Sớm hoàn thành hồ sơ công viên địa chất hang động núi lửa Krông Nô để đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới.

Đầu tư và đầu tư phát triển như thế nào, về nhận thức và đường hướng, bài toán đã có lời giải, vấn đề là hành động. Nếu không, du lịch Đắk Nông sẽ tiếp tục lạc hậu và tụt hậu với chính với các địa phương láng giềng của chúng ta. Việc phát triển du lịch Đắk Nông, chúng ta không thể cứ nhắc mãi hai chữ “tiềm năng”. Để không bị lạc hậu và tụt hậu, không còn cách nào khác là chúng ta phải huy động mọi nguồn lực để nhanh chóng đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, góp phần đóng góp thật sự, hiệu quả vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Đắk Nông: Không thể nhắc mãi hai chữ “tiềm năng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO