Du lịch Đắk Nông bao giờ tăng tốc

Công Tính| 16/09/2019 10:35

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, xác định du lịch là một trong ba khâu đột phá. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy những bước tiến của du lịch Đắk Nông vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và cần thiết phải cơ cấu lại...

ADQuảng cáo

Du khách chụp hình lưu niệm tại một điểm du lịch của tư nhân xây dựng quanh khu vực Hồ thủy điện Đồng Nai 3. Ảnh: Lê Phước

Những tiềm năng chưa được “đánh thức”

Thác Lưu Ly, thuộc Khu du lịch sinh thái lịch sử Nâm Nung, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) được nhiều du khách đánh giá là đẹp. Khu vực thác nằm gần quốc lộ 14, thuận tiện cho việc đi lại. Thế nhưng, khi đến đây, nhiều du khách bất ngờ vì khung cảnh hoang tàn, sơ sài.

Ngoài con đường lên, xuống thác còn nguyên vẹn, hiện tại hầu hết các hạng mục nhà ở, khu vực quản lý thác chỉ là đống đổ nát. Thác Lưu Ly trước đây được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Lâu Đài (TP. Hồ Chí Minh) đầu tư, khai thác.

Tuy nhiên, với cách làm không bài bản của chủ đầu tư, năm 2017, UBND tỉnh đã thu hồi dự án này. Do đó, khu vực thác Lưu Ly hiện nay được giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N’tao quản lý. Công ty này là một đơn vị chuyên quản lý rừng nên điều quan tâm nhất là bảo vệ diện tích rừng tại đây chứ chưa phải vấn đề du lịch. Do đó, hầu như khu vực thác Lưu Lư đã trở nên hoang phế, không còn là điểm du lịch hút khách như trước đây...

Khác với khu vực thác Lưu Ly, Khu du lịch thác Đắk G’lun, ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức) được Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phúc Lâm Thành (TP. Hồ Chí Minh) đầu tư cơ sở hạ tầng khá bài bản. Hạ tầng kỹ thuật nơi đây đã được đầu tư khá tương đối, như bãi đỗ xe, hội trường, quầy bar, nhà nghỉ... Thế nhưng, nhiều năm nay, khu du lịch này hầu như không thu hút được khách đến thăm quan. Theo lãnh đạo Công ty, bình quân mỗi tháng, khu du lịch này chỉ có vài chục người đến dạo chơi và hầu như không sử dụng dịch vụ ở đây. Vắng khác, nên doanh nghiệp phải "gồng mình" để duy trì hoạt động.

Hồ thủy điện Đồng Nai 3 được ví như “vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”, nhưng vẫn còn ở dạng tiềm năng. (Ảnh du khách tắm ở điểm du lịch do tư nhân đầu tư ở gần Hồ thủy điện Đồng Nai 3)

Không riêng gì trường hợp Khu du lịch thác Đắk G’lun, thác Lưu Ly, hầu hết các điểm du lịch, khu du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua thường không thu hút được du khách, cho dù cảnh quan thiên nhiên đẹp, vị trí địa lý khá thuận lợi. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 7 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến Đắk Nông là 250.000 lượt, doanh thu đạt 25,4 tỷ đồng. Đây là một con số rất khiêm tốn so với những tiềm năng, lợi thế mà Đắk Nông đang có.

ADQuảng cáo

Cần tạo bước đột phá

Để đưa du lịch phát triển, vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1685 ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025. Tỉnh xác định mục tiêu, cơ cấu lại ngành du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực để đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đến năm 2025, doanh thu và lượt khách du lịch tăng ít nhất 20% so với giai đoạn 2015-2020. Số lượng lao động qua đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch đạt 50% lao động trực tiếp trong ngành du lịch.

Đầu tư, quản lý không bài bản nên nhiều hạng mục ở khu du lịch thác Lưu Ly bị bỏ bê, xuống cấp

Nhằm thu hút du khách, tỉnh Đắk Nông tập trung phát triển sản phẩm và các điểm đến du lịch. Trong đó, tỉnh ưu tiên hoàn thiện, đa dạng hóa dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch như: Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa; Khu du lịch sinh thái văn hóa cụm thác Đray Sáp-Gia Long, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô; Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong…

Tỉnh cũng ưu tiên đầu tư, phục dựng tại các khu di tích văn hóa lịch sử như: Di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do anh hùng dân tộc N’Trang Lơng lãnh đạo tại huyện Tuy Đức; Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV (1959-1975) tại xã Nâm Nung, huyện Krông Nô… Du khách đến Đắk Nông sẽ được trải nghiệm khám phá: Công viên Địa chất Đắk Nông; du lịch nông nghiệp, nông thôn, gắn với phát triển du lịch sinh thái; tham quan làng nghề truyền thống.

Du lịch được xác định là lĩnh vực kinh tế đột phá

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, xác định du lịch là một trong ba khâu đột phá để phát triển gồm: Chế biến sâu, tạo chuỗi giá trị của tổ hợp Alumin nhôm-sắt xốp và các sản phẩm sau nhôm; du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành du lịch mới được UBND tỉnh phê duyệt, ngoài cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch, thị trường khách du lịch, đầu tư hạ tầng du lịch… tỉnh tập trung đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch. Đó là tăng cường trách nhiệm của các ngành, địa phương trong hoạt động du lịch; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng để doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển du lịch.  

Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch gồm: Khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; ưu tiên vốn ngân sách đầu tư cho các dự án du lịch trọng điểm đã được quy hoạch; huy động nguồn lực xã hội để cùng đầu tư phát triển du lịch…

Bàn về phát triển du lịch ở Đắk Nông, lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành này cho rằng, ngoài xây dựng cơ chế, chính sách thì điều quan trọng vẫn nằm ở khâu thực thi chính sách. Một khi chính sách khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch được các cấp, ngành và địa phương cùng vào cuộc thực sự quyết liệt thì mục tiêu tăng tốc du lịch ở Đắk Nông không phải là điều xa vời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Đắk Nông bao giờ tăng tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO