Độc đáo sắc màu thổ cẩm (Kỳ 2): Trang phục truyền thống của các dân tộc bản địa

Mỹ Hằng| 16/09/2016 09:04

Ngày nay, dù đã có một số thay đổi trong cách may mặc cho phù hợp với sinh hoạt, song các bộ trang phục truyền thống của các dân tộc vẫn còn gắn bó mật thiết với cuộc sống và là dấu hiệu thông tin để nhận biết được các tộc người.

ADQuảng cáo

Trang phục người M’nông

Đối với đàn ông, trang phục truyền thống là khố và tấm áo choàng. Khố có ba loại là khố trắng, khố đen và khố hoa. Riêng khố trắng cũng có 2 loại, khố dệt bằng sợi vỏ cây, gọi là Troi djăr và khố dệt bằng chỉ trắng, gọi là Troi bok (chỉ dài từ 1 đến 2 vòng lưng).

Khố đen dệt bằng chỉ màu đen, có hoa văn ở hai đầu khố, cuối đầu khố se thành chùm sợi (dài từ 3 đến 5 vòng lưng). Khố hoa dệt bằng chỉ đen, hai đầu khố có hoa văn, phía cuối hai đầu khố có kết hoa bạc hoặc đồng, hay hạt cườm màu ngũ sắc (chiếc khố này gọi là Troi nhong, dài từ 5 đến 7 vòng lưng) là trang phục của người giàu sang.

Trang phục của người M'nông. Ảnh: Hồ Mai

Đối với phụ nữ, ngày xưa, phụ nữ M’nông để ngực trần, nửa phần dưới mặc váy. Có hai loại váy, váy dệt bằng sợi vỏ cây gọi là Nah djăr; váy dệt bằng chỉ bông vải gọi là Nah rnỗ. Tấm váy dệt có thêu hoa văn gọi là Nah nrang. Phụ nữ mặc váy từ rốn xuống đến phía dưới đầu gối vừa giáp vòng chân chứ không che lấp vòng chân. Người nào không đeo vòng chân thì mặc váy xuống đến gót chân. Để giữ váy cho chặt, nơi lưng váy có buộc dây lưng, thắt bằng dây lạc hoặc dây đồng, có treo những lục lạc nhỏ xen kẽ với những bông hoa bằng bạc.

Trang sức không thể thiếu  của  phụ  nữ  M’nông  là  đôi bông  tai.  Bông  tai  thường  được  làm bằng gỗ, ống tre, nứa cắt  ngắn,  đồng  hay  vàng,  bạc.  Phụ  nữ  M’nông  còn  đeo  hạt  cườm  ở  cổ  và  cổ  tay.  Ngón  tay của họ được tô điểm bằng  những  chiếc  nhẫn  bạc, đồng  hoặc bằng sừng trâu...

Trang phục người Ê đê

Theo truyền thống, trang phục của người Ê đê thường là màu đen hoặc chàm, trên đó có trang trí hoa văn sặc sỡ. Phần lớn phụ nữ đều mặc váy, quấn váy, còn đàn ông mặc khố, mặc áo. Người Ê đê lấy các hình tượng của thiên nhiên như lá cây dương sỉ, con bò cạp ấp con, trứng thằn lằn, con rùa, trứng đại bàng, con rồng đất… làm hoa văn trang trí và cách điệu theo đường diềm hình chữ V hoặc sắp xếp hai chữ V ngược chiều tạo thành hình thoi.

Trang phục của người Ê đê. Ảnh: Y Krăk

Phổ biến nhất là loại áo che nửa thân (áo chui đầu), tay áo dài, hẹp, cổ áo hình thuyền, vừa ngang vai, thường dệt hoa văn trên nền đen hoặc màu sẫm. Phần gấu áo và gấu tay áo được dệt tỉ mỉ công phu bằng họa tiết hoa văn sinh động, mô tả động vật, thực vật và các hiện tượng trong thiên nhiên rất gần gũi quen thuộc với công việc lao động hàng ngày.

ADQuảng cáo

Còn váy là một tấm vải lớn màu đen hoặc sẫm chàm quấn quanh thân từ eo hông xuống phủ kín mắt cá chân, phần gấu váy và phần ngang gối được trang trí như ở áo. Căn cứ vào dải hoa văn, người Ê đê chia ra hai loại, loại không hoa văn dùng mặc ở nhà, loại có hoa văn mặc khi cưới hỏi, lễ hội.

Người Ê đê chỉ có 4 màu cơ bản như đen, đỏ, vàng, xanh. Nhưng chính nhờ cái hạn chế về màu sắc mà phụ nữ Ê đê đã sử dụng màu một cách nhuần nhuyễn, các cặp màu tương phản mạnh như đỏ-đen; đỏ-trắng; đỏ-vàng; đen-trắng. Sự tương phản về màu sắc và tương phản sắc độ, làm hòa quyện lẫn nhau, không gây cảm giác lòe loẹt, chói mắt.

Người Ê đê quan niệm, trong đời sống, màu đỏ biểu hiện là huyết của các linh vật hiến sinh, màu lửa trong các lễ hội, đồng thời còn tượng trưng cho sự tái sinh, sức mạnh tinh thần và lòng nhiệt huyết, khát khao cháy bỏng, là sức mạnh chung của cộng đồng. Vì vậy, tất cả sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên và ngay cả những sản phẩm do bàn tay con người tạo ra đều có linh hồn.

Mỗi đường nét, hình mảng và cách phối màu mạnh bạo, hợp lý đều mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện  niềm tin vào các  thần linh. Điển hình như hoa văn hình mặt trăng là biểu tượng của nam thần; hoa văn con voi là biểu tượng linh vật thiêng.

Trang phục người Mạ

Trang phục truyền thống của đồng bào Mạ khá phong phú và đa dạng về chủng loại và mẫu mã, nhưng phổ biến nhất là áo, khố, váy các loại. Phụ nữ Mạ mặc váy quấn dài quá bắp chân, áo chui đầu vừa sát thân, dài tới thắt lưng, kín tà.

Nửa thân áo trước và sau lưng được trang trí hoa văn màu đỏ và xanh trong bố cục dải băng ngang thân với các mô típ hoa văn hình học là chủ yếu. Chiều dọc hai bên mép áo trang trí các sọc nhiều màu sắc. Có trường hợp nửa trên váy dệt trang trí hoa văn kín trên nền trắng với hoa văn hình học màu đỏ, xanh.

Trang phục của người đàn ông Mạ với gam màu chủ đạo là trắng, phối hợp với các hoa văn như hình người, vượn, ché rượu, cây cỏ…

Nam giới thì đóng khố, áo hở tà, vạt sau dài hơn vạt trước. Khố của nam giới có loại dài, loại ngắn; có loại đơn giản chỉ một màu chàm sẫm và hai đường hoa văn đơn sơ dọc theo rìa mép; có loại ở hai đầu khố còn đính thêm những chuỗi hạt cườm và những dải tua dài. Nam nữ đều có áo chui đầu, áo nam thường rộng hơn một chút, hở tà, vạt sau dài hơn vạt trước và dài che kín mông. Áo có nhiều loại, áo dài tay, ngắn tay và cộc tay. Mùa lạnh, những người già thường khoác thêm một tấm mền.

Trong các ngày lễ hội, phụ nữ Mạ còn đeo thêm các vòng xoắn tay, xoắn chân hay vòng cổ to bản, vòng hạt cườm nhiều màu sắc…Thanh niên thì đeo nhiều vòng đồng ở cổ tay có ngấn khắc chìm như là ký hiệu của các lễ hiến sinh tế thần linh, cầu may cho bản thân.

(Còn nữa)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo sắc màu thổ cẩm (Kỳ 2): Trang phục truyền thống của các dân tộc bản địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO