Di tích “Ấp chiến lược Hang No”

Hưng Nguyên| 24/07/2015 09:22

Nằm tại thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong) hiện nay, di tích “Ấp chiến lược Hang No” như là một minh chứng lịch sử cho một thời kỳ đấu tranh cách mạng, phá vỡ chiến lược “dồn dân lập ấp” của Mỹ - ngụy.

ADQuảng cáo

NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ

Tháng 3/1962, nhằm cô lập, cách ly người dân với cách mạng, triệt phá đường hành lang chiến lược Bắc - Nam đi qua địa bàn huyện, Mỹ - ngụy đã thành lập và xây dựng ấp chiến lược Hang No, gom dân vào đây để dễ bề kiểm soát, khống chế. Những ai không phục tùng thì bị địch dùng vũ lực để uy hiếp, đe dọa, bắt bớ, đánh đập, thậm chí bắn giết.

Ngày 24/4/1962, lực lượng vũ trang của huyện phối hợp với một bộ phận bộ đội của Tiểu đoàn 186 đã tiến đánh đồn Hang No, tiêu diệt trên 40 tên địch và hầu hết các lô cốt, hầm ngầm, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, lương thực.

Vào trung tuần tháng 12/1964, lực lượng vũ trang của ta lại đột nhập vào ấp chiến lược Hang No, làm cho địch đóng tại đây rút cả lên đồn, không dám bắn trả lại. Ta thu được 26 khẩu súng và vận động nhân dân phá rào, phá ấp. Tiếp đó là các trận đánh các ấp chiến lược Khiêm Cần, Khiêm An, giành thắng lợi hoàn toàn, triệt tiêu tận gốc hệ thống ấp chiến lược của Mỹ-ngụy trên địa bàn tỉnh Quảng Đức.

Từ khi ấp chiến lược Hang No bị “xóa sổ”, đường hành lang phía Đông tỉnh Quảng Đức hoàn toàn khai thông. Bộ đội, lương thực, vũ khí được chi viện cho chiến trường Nam bộ và cực Nam Trung bộ, tạo ra thế và lực mới, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.

DẤU TÍCH LỊCH SỬ

Địa điểm dấu tích lịch sử ấp chiến lược Hang No thuộc địa bàn thôn 8, xã Quảng Khê, nằm trên khu đất bằng phẳng, diện tích khoảng 2ha, xung quanh là rừng rậm, đồi cao bao phủ. Hiện còn lưu lại vết tích của lô cốt và hệ thống công sự, đường hào xung quanh đồn bốt và khu vực ấp chiến lược.

Dấu tích công sự Ấp chiến lược Hang No

ADQuảng cáo

Lô cốt rộng 3m, cao 2m được làm bằng bê tông cốt thép; công sự, giao thông hào chung quanh sâu 1m, rộng 0,7m. Cách vị trí công sự, lô cốt chừng 50m về hướng Đông Bắc còn thấy rõ vết tích của 3 hố bom mà địch oanh tạc năm 1965. Những hố bom này có đường kính 5m, sâu trên 1m, đã bị cỏ dại và cây rừng bao phủ.

Theo ông K’Bích ở bon Kla Dơng, xã Quảng Khê, từng là Bí thư Chi bộ ấp chiến lược Hang No lúc bấy giờ cho biết, xung quanh khu vực ấp chiến lược này có hệ thống hàng rào tre gai dày kín, xanh tốt, đan xen với dây kẽm gai. Ấp chiến lược được địch xem là nơi "nội bất xuất, ngoại bất nhập", nên bố trí tại đây 1 trung đội bảo an và dân vệ canh gác, được trang bị khoảng 100 khẩu súng các loại, hệ thống điện thoại, vô tuyến điện, pháo sáng để liên lạc với nhau.

Đồng bào sống trong ấp chiến lược luôn bị chúng theo dõi và kiểm soát gắt gao kể cả khi ra ngoài đi làm rẫy. Dù vậy, đồng bào vẫn tìm cách liên lạc với cán bộ cách mạng, cung cấp lương thực, góp sức người, sức của, tham gia cách mạng để cùng đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập, tự do cho nhân dân.

Ông K’Bích, từng là Bí thư Chi bộ Ấp chiến lược Hang No, nhân chứng hiểu rõ về di tích

PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH

Dấu tích lịch sử ấp chiến lược Hang No nằm trong hệ thống các di tích lịch sử Căn cứ kháng chiến B4- Liên tỉnh IV, Khu du lịch sinh thái Nâm Nung và nằm cận kề các bon đồng bào bản địa của huyện Đắk Glong, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, gắn kết với du lịch sinh thái, văn hóa truyền thống đang được đặt ra.

Vì vậy, hiện nay ngành văn hóa đang lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử Ấp chiến lược Hang No là di tích lịch sử cấp tỉnh, đồng thời xây dựng kế hoạch để bảo vệ và đưa di tích vào phục vụ nhân dân. Theo đó, trước mắt là xây dựng hàng rào xung quanh khu vực quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ sự xâm hại di tích do tác động của người dân địa phương và gia súc ở khu vực này. Sau đó là nâng cấp đường giao thông  khoảng 4km để phục vụ hoạt động tham quan di tích, giáo dục truyền thống,  nghiên cứu lịch sử…

Dự kiến, tại di tích sẽ bổ sung trưng bày tài liệu, hiện vật lịch sử liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân huyện Đắk Glong cũng như bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa để phục vụ cho công tác nghiên cứu lịch sử và tham quan, du lịch. Về lâu dài, dự kiến xây dựng nhà bia tưởng niệm và một hoa viên có chức năng làm điểm sinh hoạt văn hóa cho đồng bào và khách tham quan, qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao ý thức chính trị…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di tích “Ấp chiến lược Hang No”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO