Để hiện thực hóa danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu hang động núi lửa Krông Nô

Vũ Hà| 03/09/2017 10:07

Tên gọi Công viên địa chất núi lửa (CVĐCNL) Krông Nô mới xuất hiện gần đây và có người tưởng đó chỉ là những cái hang động núi lửa dưới lòng đất. Thực ra CVĐCNL Krông Nô ngoài hang động núi lửa dưới lòng đất còn là một quần thể tự nhiên phong phú và rộng lớn trên mặt đất với diện tích khoảng 2.000 km2 bao gồm núi - rừng - sông - hồ - thác nước - cảnh quan - khí hậu - động thực vật và hệ thống văn hóa vật thể - phi vật thể tồn tại trên vùng đất huyền thoại này.

ADQuảng cáo

Hang động núi lửa Krông Nô. Ảnh: Ngọc Tâm

Ấn tượng nhất của CVĐCNL Krông Nô là quần thể tự nhiên rất đa dạng địa chất và sinh học, trong đó cái “lõi” của nó là hệ thống hang động núi lửa dài và đẹp bậc nhất Đông Nam Á mới được phát hiện những năm gần đây. Đặc biệt, gần như toàn bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và một phần lớn Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng với nhiều thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có 2 thắng cảnh quốc gia là thắng cảnh thác Đray Sáp và thắng cảnh thác Gia Long nằm trong khu vực CVĐCNL Krông Nô.

Quần thể CVĐCNL Krông Nô còn là vùng đất có những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, sử thi Ot N’rong, hệ thống văn hóa lễ hội, dệt thổ cẩm, đặc biệt những di vật khảo cổ là bằng chứng con người tiền sử được tìm thấy trong hang động núi lửa Krông Nô. Trong khu vực CVĐCNL Krông Nô còn có các di tích lịch sử như đường mòn Hồ Chí Minh, Khu căn cứ kháng chiến Nâm Nung, Di tích anh hùng N’Trang Lơng, N’Trang Gưh…

Như vậy, CVĐCNL Krông Nô có đầy đủ các yếu tố của một công viên địa chất theo từ điển khoa học là một khu vực tự nhiên, độc đáo, có ranh giới rõ ràng, trong đó chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, phân bố trong phạm vi nhất định, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội và có diện tích lớn để phát triển kinh tế địa phương, thông qua hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác.

Hệ thống hang động núi lửa, cùng với tài nguyên thiên nhiên phong phú và hệ thống văn hóa vật thể - phi vật thể chính là những “mỏ vàng lộ thiên”. Không có những “mỏ vàng lộ thiên” ấy không thể có công viên địa chất, không thể khai thác, xây dựng, phát triển du lịch.

ADQuảng cáo

Thực tế, Đắk Nông hiện có 6 khu, điểm đã được quy hoạch thì có đến 5 khu, điểm là các danh thắng nằm trong khu vực CVĐCNL Krông Nô gồm: Khu du lịch sinh thái (ST) cụm thác Đray Sáp - Gia Long, (Đắk Sôr - Krông Nô); Điểm du lịch ST thác Trinh Nữ, (Ea T’ling - Chư Jút); Điểm du lịch ST thác Lưu Ly và Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên thuộc Khu du lịch ST lịch sử Nam Nung, (Nâm N’Jang - Đắk Song); Tu viện Liễu quán thuộc Khu du lịch ST văn hóa Tà Đùng, (Đắk Som - Đắk Glong).

Những năm qua, các danh thắng nằm trong khu vực CVĐCNL Krông Nô đều đã được khai thác làm cơ sở du lịch ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, các cơ sở du lịch nói trên vẫn còn rất nhỏ bé và thô sơ, chủ yếu là "ăn sẵn" vào thiên nhiên; nhiều dự án thu hút, đầu tư vào du lịch chưa mang lại hiệu quả; quá trình đầu tư dàn trải, manh mún. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch nói trên vẫn còn thấp kém, xuống cấp, chậm được khắc phục; hệ thống giao thông để kết nối các khu, điểm du lịch chưa được đầu tư; tình trạng xuống cấp và xâm hại tài nguyên du lịch diễn ra ở nhiều nơi; các cơ sở tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm du lịch đơn điệu; chất lượng dịch vụ thấp, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu.  

Khai thác, xây dựng, phát triển du lịch CVĐCNL Krông Nô là nhiệm vụ to lớn, có tầm chiến lược, gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội của Đắk Nông. Để đạt được mục tiêu có tầm chiến lược nói trên cần xây dựng và sớm hoàn thành hồ sơ CVĐC Krông Nô (chứ không phải đề tài khoa học) đề nghị UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Điều đáng nói là, trước khi đề nghị UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, chúng ta cần đề xuất Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung CVĐCNL Krông Nô vào danh mục khu du lịch quốc gia trong định hướng phát triển khu du lịch quốc gia của vùng Tây Nguyên.

Với diện tích khoảng 2.000 km2, việc xác định địa giới CVĐCNL Krông Nô là rất quan trọng và cũng không ít khó khăn. Đây là công việc phải tiến hành đồng thời với việc xây dựng và hoàn thành hồ sơ CVĐC Krông Nô đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu. Theo đó, cần lựa chọn hang động núi lửa tiêu biểu để tập trung bảo vệ, tôn tạo nhằm phục vụ tham quan du lịch. Đồng thời, cần tiếp tục điều chỉnh và bổ sung quy hoạch du lịch cho phù hợp với đặc thù của một CVĐC đang hướng tới tiêu chí toàn cầu. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tối thiểu ban đầu phục vụ cho tiến trình xây dựng và phát triển CVĐCNL Krông Nô cũng là điều bắt buộc và cấp thiết.

Đối với 5 khu, điểm danh thắng trong khu vực CVĐCNL Krông Nô đã bước đầu được khai thác phát triển du lịch cần tăng tốc đầu tư xây dựng hạ tầng và cải thiện chất lượng dịch vụ; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực xây dựng dịch vụ lưu trú và có cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi cho các nhà đầu tư du lịch; tập trung cải tạo và xây dựng các tuyến đường giao thông nhằm rút ngắn thời gian di chuyển của du khách khi tiếp cận các điểm du lịch. Về lâu dài, cần có chiến lược quảng bá du lịch và ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để hiện thực hóa danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu hang động núi lửa Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO