Đàn đá - nhạc cụ truyền thống cổ nhất của người Tây nguyên

Anh Bằng| 11/07/2014 08:58

Từ hàng ngàn năm trước, trên vùng đất Tây nguyên đã xuất hiện và lưu truyền một loại nhạc cụ độc đáo, đó là loại nhạc cụ thuộc hệ gõ mà người ta thường gọi là đàn đá, người M’nông gọi là Goong lǔ (tức là cồng đá).

ADQuảng cáo

Bộ đàn đá ở Đắk Nông đầu tiên được phát hiện tại huyện Đắk R’lấp năm 1993 (đàn đá Đắk Kar), đã được các nhà nghiên cứu giải mã, tái hiện dòng lịch sử quay về với Tây nguyên thời đồ đá cách ngày nay gần 3000 năm; cho thế hệ đương đại một góc nhìn toàn cảnh về di sản văn hóa độc đáo mà người tiền sử trên vùng đất Đắk Nông đại ngàn đã sáng tạo và lưu truyền đến ngày nay.

Nghệ nhân Điểu Nhôm, bon Bù Biar, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) diễn tấu đàn đá Đắk Ka

Các thang âm của bộ đàn đá này hoàn toàn tương đồng với thang âm cồng chiêng Tây nguyên. Qua hàng ngàn năm, dù đã chuyển sang sử dụng nhạc cụ đồng như cồng và chiêng, nhưng người Tây nguyên vẫn giữ tâm hồn tinh túy, âm hưởng mộc mạc của nhạc cụ thời tiền sử, thể hiện phong tục tập quán chơi đàn đá phổ biến của đồng bào M’nông cổ xưa, được gìn giữ qua nhiều thế hệ như một sự phục hồi và tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc.

Gần đây, người dân huyện Đắk Mil phát hiện bộ đàn đá thời tiền sử, với số lượng thanh âm nhiều nhất từ trước đến nay. Kiểu dáng và hình thức chế tác tinh xảo, đẹp mắt. Theo Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, bước đầu nhận định bộ đàn đá này được người cổ chế tác và sử dụng cách ngày nay khoảng 3000 năm, ở giai đoạn lịch sử thời kỳ đá mới.

Hiện nay, ngành văn hóa đang tham mưu, đề xuất thành lập hội đồng thẩm định giá trị của bộ đàn đá. Hy vọng sẽ làm sáng tỏ diện mạo văn hóa âm nhạc truyền thống của người tiền sử và bảo lưu bản sắc văn hóa tinh túy của nền văn hóa âm nhạc cổ xưa ở Tây nguyên, phát huy hòa quyện cùng dòng nhạc đương đại.

ADQuảng cáo

Trong nền văn hóa dân gian, nhất là các dân tộc phía Bắc, nhạc cụ gõ cổ xưa nhất là trống đồng, hay còn gọi là trống đồng Đông Sơn, có niên đại cách ngày nay từ 3000 - 2000 năm (trước Công nguyên). Song song với giai đoạn lịch sử ấy, người Tây nguyên cũng đã chế tác nhạc cụ đá hàng ngàn năm tuổi. Đàn đá được tạo ra từ nhiều thanh, làm từ đá nham, đá sừng...

Cách thức ghè đẽo khá tinh xảo và trau chuốt; kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau để có được các thang âm trầm bổng, thánh thót khi gõ. Thanh đá dài, to, dày thường có âm trầm và trong. Ngược lại thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh... Kích thước của đàn đá thường khá dài nên ít được treo mà được các nghệ nhân đặt nằm song song nhau trên một giá đỡ ngang trong quá trình diễn tấu.

Người tiền sử dùng các loại đá có sẵn ngay trên mảnh đất mình sinh sống để tạo ra đàn đá. Với những phiến đá thô, vô tri, nhưng họ đã nghiên cứu và chế tác ra nhạc cụ để những thanh đá ấy cất lên âm hưởng đại ngàn Tây nguyên từ ngàn xưa vẫn còn vang mãi.

Âm thanh của đàn đá vừa sống động, vừa vui nhộn và trầm lắng, cả nhịp nhàng lẫn du dương khó tả... Thế mới biết ở buổi đầu lịch sử hoang sơ, vừa đấu tranh sinh tồn với môi trường khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng tổ tiên của chúng ta đã khám phá, gửi gắm biết bao điều kỳ lạ, hữu tình vào thế giới kỳ bí của vùng đất hùng vĩ.

Âm hưởng của đàn đá đã được nhiều nhà nghiên cứu nhận định như biểu hiện tâm tư của con người, là yếu tố kết nối giữa vũ trụ, con người, thần linh. Khi nghệ nhân diễn tấu, ở thang âm cao, âm thanh thánh thót, vang vọng; ở thang âm trầm, âm vang như khúc du dương của dòng thác đổ, của gió Tây nguyên đại ngàn rừng núi. Người M’nông quan niệm, âm thanh của đàn đá là mạch huyết nối liền cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất, thần linh, giữa hiện tại với quá khứ....

Có thể khẳng định, tổ tiên của nhạc cụ truyền thống xuất hiện đầu tiên ở Tây nguyên là đàn đá, khởi nguồn của các nhạc cụ khác, mang tố chất lưu truyền qua nhiều thế hệ; có giá trị văn hóa sâu sắc bổ sung vào sưu tập nhạc cụ cổ đại của dân tộc Việt Nam, đóng góp nguồn tài liệu âm nhạc mới cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học về các nền văn hóa nghệ thuật truyền thống cổ xưa ở vùng đất nam Tây nguyên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đàn đá - nhạc cụ truyền thống cổ nhất của người Tây nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO