Đắk R’lấp, giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ, lan tỏa trong cộng đồng

Mỹ Hằng| 11/07/2014 09:00

Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa trên địa bàn huyện Đắk R’lấp được lưu giữ, phát huy và có sức lan tỏa trong cộng đồng.

ADQuảng cáo

"Điểm sáng" Quảng Tín

Xã Quảng Tín hiện có 2.100 hộ với hơn 10.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35% dân số. Những năm qua cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, xã hội thì chính quyền xã còn đặc biệt quan tâm đến việc khuyến khích người dân gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thi giã gạo nấu cơm nhanh tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Đắk R’lấp

Theo đó, cùng với việc tích cực vận động người dân trong bon tiếp thu văn hóa lành mạnh thì vào các buổi họp, địa phương luôn khuyến khích những người già, người có uy tín vận động con cháu chấp hành đúng các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như biết cách gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Xã còn thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp dệt thổ cẩm, hát dân ca, đánh cồng chiêng… ngay tại địa phương và đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhờ đó, số người biết đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, sử dụng và chế tác nhạc cụ trên địa bàn xã ngày càng nhiều.

Ông Điểu Sắc ở bon Ol Bu Tung vui vẻ nói: “Nhờ ơn Đảng, Nhà nước mà văn hóa cồng chiêng của người M’nông được duy trì và phát triển. Bây giờ, bà con không những chăm lo phát triển kinh tế mà còn quan tâm đến văn hóa truyền thống, nên vui lắm”.

ADQuảng cáo

Cùng chung suy nghĩ đó, nghệ nhân Điểu Duyên, một người tâm huyết trong việc gìn giữ văn hóa cồng chiêng ở bon Bu Bir cho hay: “Thế hệ trẻ trong bon bây giờ cũng rất quan tâm, ủng hộ việc gìn giữ, phát huy văn hóa cồng chiêng. Bon còn vận động bà con đóng góp kinh phí để mua cồng chiêng, phục vụ sinh hoạt cũng như luyện tập múa xoang”.

Theo ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tín thì thời gian qua, cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, đồng bào các dân tộc bản địa trên địa bàn xã đã ra sức cùng với chính quyền địa phương gìn giữ văn hóa dân tộc. Hiện toàn xã có hơn 20 bộ cồng chiêng và hơn 40 nghệ nhân biết đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm và sử dụng nhạc cụ dân tộc. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc cũng là điều kiện góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân.

Xây dựng văn hóa, làm lành mạnh môi trường xã hội

Có thể nói, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được chính quyền các xã trên địa bàn huyện Đắk R’lấp đặc biệt quan tâm. Cùng với việc khuyến khích, vận động người dân ra sức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thì hàng năm huyện đều chọn và cử một số nghệ nhân có năng khiếu và tâm huyết tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực biểu diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức để nâng cao trình độ, kỹ năng, truyền đạt lại cho thế hệ trẻ trên địa bàn. Đồng thời, các hoạt động tuyên truyền, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cũng được thường xuyên tổ chức để người dân có thể tham gia nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Qua thống kê, đến nay, toàn huyện có hơn 60 bộ cồng chiêng, tất cả các bon trên địa bàn đều thành lập các đội cồng chiêng và các đội văn nghệ dân gian thuộc nhiều lứa tuổi, duy trì luyện tập thường xuyên. Một số nghi lễ truyền thống như ăn trâu, cưới hỏi, mừng lúa mới… đều được phục dựng đúng nguyên bản, tạo cho người dân có thêm nhiều ấn tượng tốt đẹp về bản sắc văn hóa hết sức phong phú của dân tộc.

Đặc biệt, huyện cũng tạo cơ chế, chính sách và động viên đồng bào các dân tộc thiểu số duy trì ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình. Cùng với đó, việc vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ dần các tập quán lạc hậu cũng được quan tâm chú trọng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk R’lấp, giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ, lan tỏa trong cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO