Đắk Nông hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên

Phan Tuấn| 23/04/2015 09:02

Năm nay, Đắk Nông là một trong những tỉnh được tỉnh Phú Thọ mời tham gia Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng vào dịp 10/3 âm lịch. Vì vậy, bắt đầu từ chiều 19/4 (1/3 âm lịch), đoàn cán bộ, nghệ nhân và diễn viên của tỉnh đã bắt đầu lên đường, thực hiện chuyến hành hương về với Đất Tổ thiêng liêng.

ADQuảng cáo

Bồi hồi, xúc động khi lần đầu về thăm Đất Tổ

Với nhiều người trong đoàn công tác của tỉnh Đắk Nông, nhất là các nghệ nhân, diễn viên thì đây là lần đầu tiên được về thăm Đất Tổ, nên ai nấy đều bồi hồi, xúc động trên hành trình hướng về cội nguồn.

Đoàn cán bộ, già làng, nghệ nhân Đắk Nông tham quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

Trên đường đi, mọi người đều mong ngóng trông sao mau tới Phú Thọ để thỏa ước nguyện bao năm. Đặc biệt, khi đến nơi, được đặt chân đến Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thì ai nấy đều xuýt xoa, trầm trồ với quy mô, khung cảnh hoành tráng, hết sức thiêng liêng của Đền thờ các Vua Hùng - tổ tiên ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

Nghệ nhân Y Bai, ở thôn 3, xã Trường Xuân (Đắk Song) tâm sự: “Tôi năm nay đã 58 tuổi, ước nguyện một lần được về thăm Đất Tổ sau nhiều năm giờ đã trở thành hiện thực. Bản thân tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi cùng với người dân trên mọi miền đất nước tụ họp về đây dự Giỗ Tổ. Cây có cội, nước có nguồn, mỗi người con của nước Việt đều tự hào vì có tổ tiên là Vua Hùng, có Bác Hồ vĩ đại dẫn đường, chỉ lối. Vì vậy, bậc con cháu như chúng ta phải sống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau để đóng góp hết sức mình, dù là nhỏ bé nhất, cùng xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh”.

Cũng trong tâm trạng bồi hồi, xúc động, ông K’Măng năm nay 74 tuổi, ở bon N’jiêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) nói: “Mặc dù phải di chuyển trên một quãng đường xa, nhưng khi được đặt chân đến vùng Đất Tổ, nhìn dòng người từ khắp nơi nô nức đến dâng hương các Vua Hùng, lòng già náo nức, phấn khởi và quên hết mọi mệt mỏi. Được trực tiếp đến thăm, chứng kiến không khí những ngày chuẩn bị Giỗ Tổ, già mới thật sự hiểu rõ hơn về nguồn gốc của dân tộc mình. Sau khi trở về bon làng, già sẽ đem hết những gì đã chứng kiến, nhất là niềm tự hào về Đất Tổ thiêng liêng, truyền thống dựng nước của cha ông để kể cho gia đình, bà con nghe”.

Già  làng K’Măng  (áo trắng) cầu nguyện tại Đền thờ các Vua Hùng

Đặc sắc các món lễ vật, tiết mục nghệ thuật

ADQuảng cáo

Theo ông Cao Thế Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành viên của đoàn thì từ cuối năm 2014, khi tỉnh Đắk Nông nhận được giấy mời của tỉnh Phú Thọ về việc tham gia Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi 2015 thì tỉnh đã lên kế hoạch chi tiết nhằm chuẩn bị chu đáo các món lễ vật cũng như các tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Đắk Nông để đến với lễ hội.

Cụ thể, cách đây 3 tháng, 5 nghệ nhân tạc tượng điêu luyện trên địa bàn tỉnh đã nhận nhiệm vụ hết sức cao cả và thiêng liêng là chạm trỗ một cặp lộc bình làm lễ vật. Cặp lộc bình có chiều cao 2m, bằng gỗ Du Sam có độ tuổi khoảng 400 năm, được khắc họa các hoa văn, thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Đắk Nông như: Tượng đài N’Trang Lơng, hình ảnh các nghệ nhân đang diễn tấu cồng chiêng, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc…

Cặp lộc bình quý - lễ vật tỉnh Đắk Nông được đặt trong Nhà triển lãm tư liệu ảnh, hiện vật của đồng bào cả nước dâng tiến các Vua Hùng

Cùng với cặp lộc bình quý thì tỉnh còn dâng tiến một bộ chiêng của dân tộc M’nông gồm 6 chiếc, thể hiện tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đất Tổ. Bên cạnh đó, tỉnh còn chuẩn bị thêm 2 mâm lễ vật bao gồm: đầu heo, bánh chưng, bành dày, cơm lam, thịt nướng, cùng các sản vật đặc trưng như: khoai lang, tiêu, cà phê…

Cùng với các lễ vật thì 46 nghệ nhân, diễn viên của tỉnh còn tham gia các hoạt động văn hóa, quảng bá xúc tiến du lịch; trong đó, đặc sắc nhất là hai chương trình nghệ thuật biểu diễn cho khách du lịch, nhân dân tại thành phố Việt Trì và tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Các tiết mục nghệ thuật có nội dung chủ yếu là ca ngợi văn hóa đặc trưng của con người, vùng đất Đắk Nông.

Anh K’Ting, một diễn viên tâm sự: “Đây là lần đầu tiên các nghệ nhân, nghệ sĩ của tỉnh vinh dự được biểu diễn những tiết mục đặc sắc thể hiện nét văn hóa độc đáo của tỉnh Đắk Nông đến với đông đảo du khách và người dân địa phương tại Đất Tổ. Vì vậy, với trách nhiệm cao cả cùng niềm tự hào, tất cả chúng tôi đã nỗ lực, cố gắng tập luyện để thể hiện tốt các tiết mục của mình, góp phần quảng bá cái hay, cái đẹp của kho tàng văn hóa tỉnh Đắk Nông đến với du khách mọi miền đất nước”.

Thêm một điều đặc biệt nữa là về với Đất Tổ lần này, tỉnh ta còn có một gian hàng tham gia Hội chợ thương mại nhằm quảng bá thông tin, hình ảnh về tài nguyên du lịch, hiện vật và những nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của Đắk Nông cùng các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, khoai lang…

Với tư cách là khách mời tham gia Lễ hội Đền Hùng thì hành trang mà tỉnh ta mang về không chỉ là những món lễ vật độc đáo, mà còn có cả những điệu múa, câu hát chan chứa nỗi niềm của những người con phương xa về thăm Đất Tổ. Với sự chuẩn bị một cách bài bản về hình thức lẫn nội dung, hy vọng sẽ góp phần tạo nên sự thành công cho lễ hội cũng như  thu hút sự quan tâm, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách gần xa.

Có thể nói, chuyến hành hương về với Đất Tổ của đoàn Đắk Nông trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay thật sự là một chuyến đi đặc biệt, không những hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, tôn vinh công lao dựng nước của các Vua Hùng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà còn góp phần nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO