Cùng khơi nguồn bản sắc văn hóa dân tộc

Đức Hùng| 18/09/2015 09:49

Trong hai ngày 15-16/9, tại Đắk Nông, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Ngày hội Khơi nguồn bản sắc và Hội thảo tính chủ thể trong bảo tồn bản sắc văn hóa. Hoạt động đã thu hút đông đảo cộng đồng các dân tộc trong khu vực Tây Nguyên tham dự, đem đến nhiều tiết mục, hoạt động văn hóa đặc sắc, đa dạng.

ADQuảng cáo

Đông đảo người dân đến xem chương trình Ngày hội Khơi nguồn bản sắc

HỘI TỤ BẢN SẮC VĂN HÓA

Trước giờ khai mạc đêm văn nghệ, ở góc sân Quảng trường trung tâm huyện Đắk Glong, đoàn nghệ nhân đến từ Đắk Lắk chuẩn bị các nhạc cụ cho tiết mục của mình. Chiếc đàn T’rưng vừa được lắp ráp, một nhóm thanh niên người Dao trú tại Đắk R’măng (Đắk Glong) đến xem, say sưa ngắm, rồi thử đánh. Cả nhóm thanh niên đứng trước chiếc đàn bình luận, thay phiên nhau đánh và tỏ ra rất thích thú.

Anh Đặng Văn Tú, sau một hồi tìm hiểu về chiếc đàn tâm sự: Tôi từng xem chiếc đàn này trên ti vi rồi, nhưng đây là lần đầu tiên được tận mắt thấy, nghe âm thanh do mình đánh. Quả thật, đồng bào các dân tộc có nhiều nhạc cụ lạ mắt quá, âm thanh thì quá tuyệt vời.

Cầm trên tay chiếc đàn, chiếc trống và gùi chuẩn bị cho tiết mục “Hội mùa”, già K’Ting, dân tộc K’Ho đến từ huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết: Đây là những nhạc cụ truyền thống của người K’Ho,  thường được dùng trong các ngày hội mùa, lấy vợ, lấy chồng. Tôi rất hồi hộp khi được tham gia chương trình biểu diễn này.

Trong trang phục truyền thống của người dân tộc Rơ Ngao, già K’Thắc, đến từ tỉnh Kon Tum cùng các thành viên của đoàn cũng đang chuẩn bị những nhạc cụ để biểu diễn tiết mục “Tiếng đàn trên rẫy”. Chỉ vào chiếc đàn T’rưng truyền thống của dân tộc mình, già K’Thắc nói: Đồng bào Rơ Ngao lúc vui, lúc buồn cũng dùng cái đàn này để đánh. Đây là nhạc cụ truyền thống của dân tộc Rơ Ngao có từ lâu đời, thường dùng chiếc dùi tre để tạo âm thanh. Ngày nay, đàn thường được đánh trong các hoạt động lễ hội. Tôi rất tự hào khi mang nó đến đây biểu diễn cho mọi người nghe.

Còn em H’Hiên cùng nhóm múa người dân tộc M’nông ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đang tham quan các hoạt động của ngày hội cũng tâm sự: Em rất thích trang phục của người Mông, có rất nhiều hoa văn và rất đẹp. Đặc biệt, nhiều nhạc cụ bằng tre nứa của đồng bào các dân tộc rất phong phú, đa dạng. Tối nay, nhóm em biểu diễn tiết mục múa cồng chiêng, là điệu múa truyền thống của người M’nông trong các lễ hội mừng lúa mới, sum họp bon làng...

 Khi chương trình văn nghệ bắt đầu, các đoàn văn nghệ đại diện cho các dân tộc thay phiên nhau mang những nét đặc trưng, đặc sắc nhất của dân tộc mình ra biểu diễn. Các tiết mục mộc mạc, đáng yêu bởi đây chính là những gì người dân tự biên, tự diễn. Ánh mắt những người tham gia biểu diễn đều ánh lên niềm tự hào về văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Phía dưới hàng ghế khán giả, những người mẹ đìu con, người già, thanh niên, các em nhỏ thì chăm chú theo dõi các tiết mục biểu diễn một cách say sưa, lâu lâu lại ồ lên thán phục, vỗ tay tán thưởng. Mỗi dân tộc mang đến một tiết mục đặc sắc tạo nên một đêm văn nghệ hội tụ những nét đẹp, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

Đoàn nghệ nhân dân tộc Rơ Ngao, tỉnh Kom Tum trước giờ biểu diễn

ADQuảng cáo

ĐỒNG BÀO LÀ CHỦ THỂ TRONG BẢO TỒN

Khép lại đêm văn nghệ,  một cuộc hội thảo giữa những người dân, người làm  dự án bảo tồn và ngành chức năng được tổ chức. Nhiều ý kiến về thuận lợi, khó khăn và cả niềm tự hào trong bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống được trao đổi.

Chị Vi Thị Thanh, người dân tộc Thái, ở Đắk R’măng (Đắk Glong) nói: Thực tế hiện nay, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gặp không ít khó khăn, do bận công việc sản xuất, làm ăn. Nhưng chúng tôi đã vượt qua được và động lực để vượt qua khó khăn đó là mong muốn “tìm lại chính mình”. Bởi vì, chúng tôi sợ rằng sau này nhìn lại mình không biết mình là ai, là dân tộc nào, bởi không còn gì bản sắc riêng để nhận biết nữa.

Già Y Thi, người dân tộc Ê đê đến từ Đắk Lắk chia sẻ: Tôi nghĩ rằng, văn hóa chính là tự ý thức, tự bản thân mình bảo vệ. Đồng bào luôn sống trong môi trường văn hóa, nên khi tham gia các hoạt động cộng đồng, đi biểu diễn như thế này không phải tập gì cả. Giữ chiêng phải biết sống với chiêng, sinh hoạt với chiêng, tâm sự với chiêng, trong lúc vui đánh chiêng vui, lúc buồn đánh chiêng buồn. Tôi rất tự hào về những gì mình lưu giữ được.

Câu chuyện của già Y Thi đã thể hiện rõ tính tự chủ trong hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống trong mỗi gia đình. Còn Già K’rô, người dân tộc K’Ho (Lâm Đồng) cũng chia sẻ: Bây giờ, người ta lo đi làm ăn, khó huy động để tham gia các hoạt động văn hóa. Để người dân đi tham gia chương trình này, tôi phải đi vận động từng người trong bon mới tập trung được.  

Là một người đã có nhiều thời gian hoạt động và nghiên cứu về văn hóa của các dân tộc, Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Khoa nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Hiện nay, những người làm văn hóa đang thực hiện việc bảo tồn tĩnh, thông qua các tài liệu thu thập để giới thiệu văn hóa các dân tộc ra bên ngoài, theo kiểu ở bên ngoài nhìn vào. Nội lực của bảo tồn là tính tự thân, tự chủ, tự hào giới thiệu văn hóa của dân tộc mình ra bên ngoài. Qua quan sát các hoạt động của ngày hội, tôi thấy đồng bào đã thể hiện rõ cái tính chủ thể, cách bảo tồn văn hóa của mình.

Tiết mục múa chiêng của người M’nông xã Quảng Sơn (Đắk Glong)

Về những chính sách của Nhà nước đang được thực hiện trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo ông Trương Văn Tỵ, Vụ trưởng Vụ dân tộc - tôn giáo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nguyên là một vùng đa dân tộc, đa văn hóa nên cần xây dựng cho người dân niềm tự hào về tiếng nói, chữ viết, phong tục để họ tự tin bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế.

Còn bà Lê Kim Dung, Trưởng đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam thì cho rằng sự chia sẻ của đại diện ngành chức năng, đồng bào các dân tộc tại hội thảo thực sự là những góc nhìn cần thiết, tạo niềm tin, cơ hội cho hoạt động bảo tồn văn hóa thời gian tới. Thông qua ngày hội, bằng những tiết mục văn nghệ do chính đồng bào tự dàn dựng, trình diễn không những tạo được ấn tượng cho người xem mà còn chứng minh niềm đam mê, sức sáng tạo nghệ thuật, mong muốn hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hy vọng, trong những lần tổ chức tiếp theo, những hoạt động giao lưu văn hóa khu vực Tây Nguyên sẽ được kết nối, lan tỏa sâu rộng hơn nữa.

Bà Nuala O’Brien, Trưởng Ban phát triển Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam cũng rất ấn tượng với sự đa dạng văn hóa khu vực Tây Nguyên. Bà khẳng định Ailen sẽ tiếp tục hỗ trợ để thực hiện các hoạt động bảo tồn văn hóa tại Việt Nam.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng khơi nguồn bản sắc văn hóa dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO