Cùng góp sức giữ gìn vốn quý của dân tộc

Mỹ Hằng| 12/12/2014 09:18

Với những cách làm hay, sát với thực tế, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được lưu giữ và hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần.

ADQuảng cáo

Đưa văn hóa dân tộc vào trường học

Tại Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng (Gia Nghĩa), bên cạnh chương trình chính khóa thì còn lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa truyền thống một cách thích hợp, thông qua các hoạt động thiết thực nhằm hướng cho các em học sinh hiểu biết sâu hơn về văn hóa truyền thống. Với đặc thù là học sinh chủ yếu là dân tộc thiểu số, nên trường luôn khuyến khích các em mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Các em học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú N'Trang Lơng (Gia Nghĩa) thường xuyên mặc trang phục truyền thống đi học. Ảnh: Ngọc Tâm

Các tổ chuyên môn tổ chức nhiều chuyên đề bổ ích mang tính giáo dục cao như: “Học sinh với truyền thống tôn sư trọng đạo”, “Học sinh trường N’Trang Lơng với bản sắc văn hóa dân tộc”... Hàng năm, trường đều phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức lớp học đánh cồng chiêng, thu hút nhiều giáo viên, học sinh tham gia tập luyện. Trên cơ sở đó, hiện trường đã thành lập được một đội cồng chiêng nòng cốt và một đội văn nghệ tiêu biểu, thường xuyên tham gia các hội diễn do ngành giáo dục tổ chức.  

Tương tự, vào các ngày thứ 5 hàng tuần, các lớp học ở Trường tiểu học Lê Mã Lương, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) lại tổ chức một tiết học ngoại khóa với nội dung, chủ đề nói về lịch sử, văn hóa dân tộc. Cùng với việc được tham gia các trò chơi dân gian, học sinh còn được nghe kể chuyện, giới thiệu về các nhân vật lịch sử của địa phương như: N’Trang Lơng, N’Trang Gưh.

Tại mỗi lớp đều xây dựng một “góc địa phương” để trưng bày hình ảnh một số anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa nổi tiếng cùng một số vật dụng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như khố, túi xách thổ cẩm, đàn t’rưng, kèn m’buốt, sáo trúc…

Dưới sự hướng dẫn, giới thiệu của giáo viên, học sinh đã có thêm sự hiểu biết về văn hóa các dân tộc. Một số hộ đồng bào còn đem đến tặng một số vật dụng sinh hoạt, dụng cụ lao động đặc trưng của dân tộc cho nhà trường trưng bày, giới thiệu, làm phong phú thêm “góc địa phương”.

ADQuảng cáo

Có thể nói, hiện nay nhiều trường học khác trên địa bàn cũng đã đưa văn hóa truyền thống vào các hoạt động giáo dục, với nhiều nội dung phong phú như: cồng chiêng, dân ca, dân vũ, đàn tính hát then… Các trò chơi dân gian như đi cà kheo, đẩy gậy, ô ăn quan, bắn bi, đổ nước vào chai, giật cờ… cũng được lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, tạo cho học sinh sự hứng khởi khi tham gia và có thêm sự trải nghiệm. Qua đó, học sinh ngày càng nhận thức được các giá trị văn hóa, vốn quý của dân tộc, thấy yêu quý, tự hào hơn với quê hương mình.

Trường THPT Dân tộc nội trú N'Trang Lơng đưa cồng chiêng vào dạy cho học sinh

Và gìn giữ ngay chính gia đình

Vào những lúc rảnh rỗi, chị H’Khiêu ở bon Phi Mur, xã Quảng Khê (Đắk Glong) lại làm “cô giáo” dạy dệt thổ cẩm, cách bố trí những đường nét hoa văn truyền thống cho các con cũng như một số bạn trẻ trong bon. Theo chị H’Khiêu, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời của người Mạ, không chỉ đơn thuần để sử dụng trong sinh hoạt gia đình, có thêm thu nhập mà còn là cách gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc nên chị luôn cố gắng truyền nghề cho các con.

Vì vậy, mặc dù mới 13 tuổi, nhưng em H’Yên-con gái chị H’Khiêu có thể dệt những chiếc túi nhỏ xinh xinh do chính tay mình làm. H’Yên vui vẻ nói: “Được mẹ truyền nghề, bảo ban, nên hiện em có thể dệt được những tấm thổ cẩm có hoa văn khó. Em sẽ cố gắng theo gương mẹ, học thành thạo để giữ nghề và có thể truyền nghề”.

Còn chị Thị Ai ở bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) đã truyền “bí kíp” nấu rượu cần cho con của mình. Cứ mỗi lần nhà ủ rượu, chị lại nhắc con phải ghi nhớ lời mẹ dạy. Từ nguyên liệu chế biến cho đến cách ủ được chị chỉ dẫn một cách tỉ mỉ, bởi chỉ cần sơ suất một tí, bỏ qua một công đoạn thì chất lượng, mùi vị rượu sẽ không được ngon và mất đi mùi vị đặc trưng.

Chị Thị Ai cho biết: “Mỗi loại rượu đều có hương vị khác nhau và rượu cần của người M’nông cũng thế, phải ủ rượu theo đúng quy trình. Hiện nay, ngoài thị trường có bán rất nhiều rượu với những loại men khác nhau, nên tôi phải truyền lại cách ủ rượu truyền thống cho các con để không bị mai một”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng góp sức giữ gìn vốn quý của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO