Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống: Những vấn đề cần quan tâm

Tô Đình Tuấn| 18/04/2014 10:33

Bảo tồn nền văn hóa truyền thống là công việc được toàn xã hội đồng thuận, vì văn hóa là cội nguồn của dân tộc, của cộng đồng người.

ADQuảng cáo

Về nguyên tắc bảo tồn, là bảo tồn trên nền tảng nguyên bản gốc của hiện vật, di tích, di vật. Nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo là để lưu giữ, làm sống lại giá trị văn hóa của hiện vật, di tích, di vật; qua công tác bảo tồn minh chứng cho quá trình phát triển lịch sử, văn minh của một thời đại.

Với nguyên tắc này, bảo tồn đối với công trình công cộng tương đối thuận lợi,  nhưng đối với công trình kiến trúc, hiện vật thuộc cá thể, hộ gia đình, thì gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc ít người.

Tái hiện Lễ kết nghĩa của đồng bào Mạ trong lễ hội. Ảnh: Ngọc Tâm

Điển hình như trường hợp bảo tồn buôn Buôr, thuộc loại hình buôn cổ, xã Tâm Thắng (Chư Jút). Buôn có 13 ngôi nhà dài của dân tộc Ê đê đã tồn tại gần 100 năm. Tuy nhiên, những ngôi nhà dài này đã hư hỏng nghiêm trọng, từ vách, sàn, cột, cầu thang, đặc biệt mái nhà đã biến dạng, được lợp tôn thay cho mái tranh truyền thống.

Khi tiến hành bảo tồn tôn tạo phần hư hỏng phải phục dựng theo nguyên bản và mái cũng phải lợp bằng tranh truyền thống. Việc lợp mái bằng tranh truyền thống hay bằng tôn, giữa người làm công tác bảo tồn và chủ sở hữu ngôi nhà phải họp bàn rất nhiều lần, nhiều đoàn cán bộ của xã, huyện, ngành Văn hóa đến từng hộ để vận động, mới đi đến thống nhất cách thức bảo tồn.

Theo các hộ dân, bây giờ rừng không còn, tranh không còn, lợp tranh đến khi tranh hỏng, tranh mục, nhà dột làm sao ở? Cuối cùng, hai bên thỏa thuận mái lợp hai tầng, tầng dưới lợp tôn, tầng trên lợp tranh, tuy kinh phí rất tốn kém nhưng cũng chỉ ba hộ đồng ý, còn các hộ khác yêu cầu phải lợp tôn.

ADQuảng cáo

Về quang cảnh không gian, từng ngày đang bị phá vỡ. Một ngôi nhà dài thường có từ ba đến bốn hộ hoặc nhiều hơn cùng sinh sống. Thực hiện chính sách tách hộ tái định cư của Đảng và Nhà nước, thì các hộ trong ngôi nhà dài ấy được xây mỗi hộ một ngôi nhà riêng, trong khuôn viên vườn.

Thế nhưng vườn vốn là không gian tự nhiên, hoang dã, gắn với nét cổ của ngôi nhà dài, việc tách hộ để xây dựng các ngôi nhà tường gạch, nền xi măng, mái lợp tôn, phá vỡ cảnh quan buôn truyền thống.

Đối với bảo tồn văn hóa phi vật thể, như sử thi, truyện cổ, dân ca, dân vũ... dưới hình thức sưu tầm dịch thuật, in thành sách, quay phim, ghi thành ảnh... tuy có những khó khăn, nhưng với hình thức này đã làm được và mang lại những kết quả tốt, đã chuyển thành sản phẩm được lưu trữ ở các thư viện, viện nghiên cứu, nhà bảo tàng. Nhưng làm thế nào để những bộ sử thi, những câu truyện cổ, những làn điệu dân ca... sống lại trong lòng công chúng, để mọi người cùng hát, kể sử thi, nhớ được truyện cổ... thực tế chưa đáp ứng được nhiều.

Tái hiện Lễ phát rẫy của đồng bào M'nông. Ảnh: Ngọc Tâm

Hiện nay, việc truyền dạy vẫn theo cách cầm tay chỉ việc, người đi học được tiền bồi dưỡng, người truyền dạy có chế độ; học chiêng cấp chiêng; hát kể sử thi được cấp bút vở, máy thu âm (băng)... Khi có nguồn kinh phí thì có người học, hết kinh phí thì vắng lớp học, và học xong không có môi trường trình diễn thì người học lại quên "chữ". Trong khi đó, những người già lại rất ít khi truyền lại cho con cháu trong nhà một cách tự giác.

Trong những năm qua, tỉnh ta đã có những nỗ lực lớn trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, nguồn kinh phí còn ít nên chỉ tập trung được một số lĩnh vực, một số hạng mục, loại hình văn hóa mang tính cấp thiết, có những loại hình bảo tồn chưa được trọn vẹn.

Thiết nghĩ, hiệu quả bảo tồn tốt nhất hiện nay là nhà nước cần đầu tư những khu văn hóa quy mô lớn, tái hiện không gian quang cảnh, hiện vật cổ để vừa lưu giữ văn hóa cha ông và vừa phục vụ du lịch. Nhà bảo tàng trưng bày hiện vật trong nhà hoặc là bảo tàng sống ngoài trời, tức là tái hiện nguyên bản những hiện vật trong một không gian rộng sinh động, có thể hình thành một bon, buôn cổ thu nhỏ, ở đó có nghệ nhân trông coi và thực hiện những thao tác để trình diễn như tấu chiêng, hát kể sử thi... Có như vậy mới khắc phục được sự mai một đã và đang diễn ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống: Những vấn đề cần quan tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO