Cồng chiêng trở lại với bon làng

Bài, ảnh: Mỹ Hằng| 19/10/2018 09:29

Từ sau ngày thành lập tỉnh, trong khuôn khổ thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ”, được sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng, chính quyền các cấp, cồng chiêng đang dần được khôi phục và trở lại với bon làng.

ADQuảng cáo

Đội cồng chiêng bon N'Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) luyện tập đánh cồng chiêng

Bon làng thêm vui

Trước đây, bon B’Tong, xã Đắk P’lao (Đắk Glong) là một trong những địa phương có tỷ lệ gia đình lưu giữ cồng chiêng nhiều nhất tỉnh, nhưng vì cuộc sống khó khăn nên người dân đã mang cồng chiêng đi bán, đổi lương thực trang trải cuộc sống. Thế nhưng, năm 2011, từ nguồn kinh phí của Đề án, bon B’Tong được cấp 1 bộ cồng chiêng gồm 6 chiếc trong niềm hân hoan, phấn khởi của dân làng. Điều đáng ghi nhận là khi cồng chiêng quay trở lại, tối đến bà con lại tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng để được nghe, nhìn thấy các nghệ nhân đánh cồng chiêng.

Ông K’Đế ở bon B’Tong cho biết: “Trước đây, mỗi khi bon có lễ hội thì phải đi mượn chiêng ở các bon khác nhưng cũng vất vả lắm, vui thì người ta cho mượn, không vui thì họ lắc đầu nên lễ hội không có cồng chiêng. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, khi bon được cấp 1 bộ cồng chiêng, bà con vô cùng vui sướng và cùng nhau luyện tập”.

Đội cồng chiêng bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R'lấp) diễn tấu tại Hội xuân Mậu Tuất 2018

Tương tự, năm 2009, bon Bu B’râng, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) cũng được cấp 1 bộ cồng chiêng trong niềm hân hoan, phấn khởi của dân làng. Nghệ nhân Điểu N’jăh cho biết: “Trước đây, mỗi khi bon tổ chức lễ hội thì trưởng bon hoặc già làng phải lặn lội hàng chục cây số để đi mượn cồng chiêng từ các địa phương khác về, bởi không có cồng chiêng, người dân không hứng thú tham gia. Giờ thì không cần phải đi mượn nữa, từ ngày bon được cấp 1 bộ cồng chiêng, thanh niên, phụ nữ tập hợp rất đông, có tiếng cồng chiêng, bon làng thêm vui”.

Có thể nói, đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh nói riêng, cồng chiêng là tài sản quý không chỉ đối với gia đình, dòng họ và của bon làng.

ADQuảng cáo

Đội chiêng nữ bon Bu Brâng, xã Đắk N'drung (Đắk Song) luôn đại diện cho địa phương tham gia các lễ hội do tỉnh tổ chức

Góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, coi đây là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa mang đậm bản sắc. Thông qua Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ”, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy, tạo bước ngoặt quan trọng đối với đời sống tinh thần của đồng bào.

Từ nguồn kinh phí của Đề án, tỉnh đã tổ chức cấp 150 bộ cồng chiêng cho các bon làng

Cùng với việc trang bị thêm cồng chiêng cho các bon làng, các địa phương còn tổ chức các ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc, khôi phục một số nghi lễ, lễ hội truyền thống có sử dụng cồng chiêng. Về phía ngành Văn hóa cũng chú trọng triển khai nhiều hoạt động liên quan đến bảo tồn cồng chiêng như: Xây dựng các ấn phẩm giới thiệu và quảng bá di sản; tổ chức tập huấn về lập danh mục và đánh giá hiện trạng văn hóa cồng chiêng; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực nghệ nhân cồng chiêng; tập huấn, giới thiệu cồng chiêng tại các trường học; điều tra, phỏng vấn nghệ nhân và những người biểu diễn cồng chiêng lâu năm; sưu tầm và làm phim tư liệu “Tìm lại lời chiêng”…

Hiện tại, ở mỗi huyện, thị xã đều thành lập một đội cồng chiêng nòng cốt, thường xuyên sinh hoạt có hiệu quả. Nhiều trường dân tộc nội trú đã đưa cồng chiêng vào sinh hoạt ngoại khóa, góp phần nâng cao ý thức của thế hệ trẻ trong việc chung tay gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhiều cuộc liên hoan văn hóa dân gian và ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo các dân tộc anh em. Nhờ đó, không gian diễn xướng, môi trường diễn tấu cồng chiêng cũng được mở rộng và cồng chiêng đã trở lại trong các bon làng, cộng đồng dân tộc. 

Theo thống kê của Sở VHTT-DL, toàn tỉnh hiện có 186 bộ chiêng (157 bộ chiêng M’nông, 12 bộ chiêng Mạ và 17 bộ chiêng Ê đê). Đặc biệt, từ nguồn kinh phí của Đề án, tỉnh đã mua, cấp thêm 150 bộ cồng chiêng (3 bộ chiêng Ê đê và 147 bộ chiêng M’nông) cho các đội văn nghệ dân gian các huyện, thị xã sử dụng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cồng chiêng trở lại với bon làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO