Con trâu trong đời sống của người M’nông

Mỹ Hằng| 30/08/2012 10:39

Đối với đồng bào M’nông, trâu là con vật quý, đứng thứ hai sau voi, nên gia đình nào có trâu trong nhà được xem là giàu có. Đồng bào tin rằng “thần trâu”, “hồn trâu” luôn ở bên cạnh, mang lại may mắn cho gia đình và cộng đồng...

ADQuảng cáo

Đối với đồng bào M’nông, trâu là con vật quý, đứng thứ hai sau voi, nên gia đình nào có trâu trong nhà được xem là giàu có. Đồng bào tin rằng “thần trâu”, “hồn trâu” luôn ở bên cạnh, mang lại may mắn cho gia đình và cộng đồng. Vì vậy, mỗi khi gia đình nào mua trâu về nuôi đều tổ chức cúng để cầu mong “hồn trâu” luôn ở bên cạnh gia đình mình, hay ăn chóng lớn, sinh sôi nảy nở, mang lại phồn thịnh cho gia đình.

Con trâu - “linh hồn” của các nghi lễ quan trọng của đồng bào M’nông

Đặc biệt, trâu còn là niềm tự hào của đồng bào mỗi khi có lễ hội. Trong các lễ hội truyền thống của đồng bào như lễ ăn cơm mới, lễ cúng bến nước, lễ mừng chiến thắng, lễ mừng được mùa…, đồng bào đều sử dụng trâu làm vật hiến sinh để thể hiện lòng tôn kính, biết ơn giữa con người với thế giới tâm linh. Nếu không có “ăn trâu” thì chưa được gọi là một lễ quan trọng.

Theo đó, dựa vào sự non, già của con trâu (độ dài và cong của chiếc sừng) để đánh giá lễ hội đó lớn hay nhỏ; sừng càng già, càng dài thì đó mới thực sự là một lễ hội lớn. Theo quan niệm của đồng bào M’nông, con trâu chính là “vật tổ” xa xưa và “hồn trâu” giúp con người gần gũi với thần linh hơn “các hồn” khác như “hồn nhện”, “hồn dế”, “hồn cào cào”...

Bởi vậy, con trâu chính là cầu nối gắn kết con người với thế giới tâm linh và nó chính là “linh hồn” làm cho buổi lễ thêm sinh động, là vị “sứ giả” chịu trách nhiệm trình lên các vị thần linh những lời thỉnh cầu, biết ơn của đồng bào.

Do đó, trước khi bị giết, trâu được chọn thường được chăm sóc, vuốt ve, tắm rửa sạch sẽ để tạo nên sự linh thiêng khác với những con trâu bình thường. Đặc biệt hơn, đồng bào M’nông còn có nghi thức “khóc trâu” để đưa tiễn “hồn trâu” về với thế giới tâm linh.

ADQuảng cáo

Ngoài việc làm hiện vật trao đổi ngang giá, vật hiến sinh trong các buổi lễ, trâu còn mang lại nhiều lợi ích khác như dùng làm sức kéo, chở các đồ dùng nặng. Thậm chí, sừng trâu cũng được đồng bào chế tác ra những dụng cụ quý dùng trong gia đình như cốc uống nước, ly uống rượu.

Ở các lễ hội lớn của cộng đồng, đồng bào thường tổ chức thi xem ai uống được bao nhiêu sừng rượu, nên tập quán uống rượu bằng sừng được nhắc đến rất nhiều trong sử thi M’nông. Đồng bào M’nông còn sử dụng sừng trâu để làm nhạc cụ dùng trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của dân tộc, đó là chiếc tù và (hay còn gọi là nung).

Trong săn bắn, tù và chính là dụng cụ hữu hiệu để đánh lạc hướng, làm thú rừng hoảng sợ, mất phương hướng và rơi vào tầm ngắm của cung tên, sập bẫy. Hay mỗi khi bon làng có chuyện vui, buồn, đồng bào đều dùng tù và để tập hợp, báo tin cho cộng đồng biết. Chiếc sừng trâu còn là dụng cụ làm đẹp của phụ nữ.

Bằng sự khéo léo của mình, từ chiếc sừng thô sơ, đồng bào đã tạo ra những chiếc lược chải đầu, trâm cài tóc cho phụ nữ. Bởi vậy, thơ ca dân gian của người M’nông có câu: “Xâu hạt cườm đã hợp với cổ rồi/ Đôi bông đã hợp với tai rồi/Vợ phải lo dệt khố cho chồng/Dù chỉ dệt khố trắng cũng được/Dù chỉ bới cỏ tranh lên đầu/Dù chỉ bới tóc bằng lược sừng trâu”.

Ngày nay, trong các gia đình người M’nông, những chiếc sừng trâu vẫn luôn được đặt trang trọng ở một góc nhà. Điều đó chứng tỏ rằng, trong tâm thức, văn hóa của đồng bào M’nông thì hình ảnh của con trâu và những thứ liên quan xung quanh nó luôn được quý trọng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con trâu trong đời sống của người M’nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO