Chuyện về đường Hạnh Phúc ở Hà Giang

Hoàng Bảo| 14/10/2016 10:26

Theo quốc lộ 4C, đoạn đi qua thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), ngoài cảnh núi đồi trùng điệp, điều làm chúng tôi - những người từ Tây Nguyên lần đầu đến với mảnh đất nơi địa đầu của Tổ quốc ngạc nhiên, thán phục là con đường mang tên Hạnh Phúc.

ADQuảng cáo

Đường Hạnh Phúc - một kỳ tích ở Hà Giang. Ảnh: Ngọc Tú

Qua lời kể của các đồng nghiệp Báo Hà Giang, chúng tôi được biết, tuyến đường không chỉ đi qua những địa danh nổi tiếng, có nhiều cảnh đẹp mà còn là một niềm tự hào lớn của người Hà Giang.

Trước năm 1959, cao nguyên đá Đồng Văn vẫn là một vùng biệt lập, cách trở. Từ đây xuống đến trung tâm tỉnh lỵ Hà Giang phải mất 3 ngày ròng rã đi ngựa. Phía sau cổng trời, bốn bề đá chồng đá, hàng vạn đồng bào chìm trong nghèo đói, lạc hậu. Từ mong ước của hàng vạn đồng bào các dân tộc nơi đây, ngày 10/9/1959, Khu ủy Việt Bắc và tỉnh Hà Giang đã khởi công con đường lên cao nguyên đá mang tên Hạnh Phúc.

Để làm con đường khó khăn bậc nhất của cả nước này, có sự tham gia của lực lượng thanh niên xung phong 8 tỉnh gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định và đồng bào các dân tộc Hà Giang. Sau gần 6 năm thi công gian khổ, con đường kỳ tích trên đá đã được hoàn thành vào ngày 20/3/1965.

Con đường xuất phát từ thị xã Hà Giang và kết thúc ở thị trấn Mèo Vạc với chiều dài 185 km. Con đường Hạnh Phúc được hoàn thành, nối Cao nguyên đá Đồng Văn với miền xuôi. Với trên 2 triệu ngày công thực hiện khối lượng phá, đào trên 2,8 triệu m3 đất đá, đó là một kỳ tích được làm nên bởi sức mạnh tinh thần với cuốc, xẻng, xà beng, những sợi dây thừng của Đội cảm tử 11 tháng treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm đường trong 11 tháng, tinh thần kiên cường của thanh niên xung phong và đồng bào các dân tộc.

ADQuảng cáo

6 năm trên công trường đá ngày ấy, 14 thanh niên xung phong đã ngã xuống vì sốt rét, tai nạn lao động khi tuổi đời còn rất trẻ và nhiều người còn mang thương tích vì mìn, đá hay những cơn sốt rét còn dai dẳng về sau…

Qua lời kể của người dân nơi đây, chúng tôi mới hiểu được giá trị, ý nghĩa về con đường này. Đường Hạnh Phúc đã góp phần không nhỏ vào việc khơi thông huyết mạch cho sự phát triển và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng trên vùng đất này. Đặc biệt hiện nay, khi Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất toàn cầu, tuyến đường trở thành cầu nối đưa du khách đến với di sản có một không hai của cả nước đó là Đỉnh Mã Pì Lèng.

Đỉnh Mã Pì Lèng cũng là điểm phân giới ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái trong Cao nguyên đá Đồng Văn, có độ cao trung bình 2.000m so với mặt nước biển, được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá phiến, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 430 triệu năm. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng đứng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pì Lèng và một bên là Săm Pun - nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng (Trung Quốc).

Tài liệu còn ghi lại, qua hơn 1.000 ngày con đường được thi công, hàng vạn thanh niên xung phong và đồng bào, dân công vấp phải một bức tường thành đá khổng lồ dựng đứng là đỉnh Mã Pì Lèng. Để vượt bức tường đá này cần xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m. Khó khăn đến mức, trong giai đoạn đầu nhằm mở một vỉa đường nhỏ mang tên "đường công vụ" rộng khoảng 40cm trên vách đá (để công nhân về sau có chỗ đặt chân trên đó), thì 17 thanh niên trong đội cảm tử phải treo mình bằng dây buộc vào một cây nghiến cổ thụ trên đỉnh núi, dòng từ trên xuống, bám vào các vách đá, ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng tay và dụng cụ thủ công. Các công nhân còn đặt tại lán 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc để thể hiện quyết tâm và tinh thần sẵn sàng đối diện với hiểm nguy.

Sau khi hoàn thành, đèo Mã Pì Lèng, với 9 đoạn uốn khúc bên vách đá dựng đứng bên vực thẳm hun hút. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ. Về sau được mở rộng hơn cho ô tô, nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo, hai xe ngược chiều rất khó tránh nhau. Mặc dù được xem là một trong những con đường nguy hiểm nhất thế giới, song cung đường Mã Pì Lèng đã trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một "Vạn Lý Trường Thành" của Việt Nam hay "Kim Tự Tháp" của người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Hiện nay, trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng có đặt một tấm bia tưởng niệm bằng đá ghi lại những dấu ấn xây dựng đường đèo và cũng để tưởng nhớ những người đã hy sinh xương máu, tính mạng làm nên đường Hạnh Phúc. Và du khách mỗi khi đi qua cung đường Hạnh Phúc đều không quên dừng chân tại đây để tưởng niệm những người đã hy sinh trong khi làm đường cũng như ngắm cảnh quan hùng vĩ, tìm hiểu kỳ tích Mã Pì Lèng. 

Ảnh: Mai Anh

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về đường Hạnh Phúc ở Hà Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO