Chung niềm đam mê với thổ cẩm

Hoàng Hoài-Vũ Trang| 16/01/2019 16:44

Trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, ngay sau lễ khai mạc Không gian Văn hóa thổ cẩm Việt Nam và Không gian ẩm thực vào sáng 14/1, các đoàn nghệ nhân đến từ các tỉnh, thành đã bước vào phần thi dệt thổ cẩm. Với đôi bàn tay khéo léo, tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, các nghệ nhân đã thể hiện khả năng, sự tinh tế, nét đẹp văn hóa của mỗi dân tộc qua từng hoa văn, sản phẩm.

ADQuảng cáo

Thổi vào đó “hồn” của dân tộc

Trong số các đơn vị tham gia, nhiều người ấn tượng đối với đoàn nghệ nhân dệt thổ cẩm đến từ tỉnh Quảng Trị. Bởi lẽ từ trước đến nay, nói đến dệt thổ cẩm, ai cũng nghĩ đây là công việc thuộc về phụ nữ vì đòi hỏi sự tinh tế, kiên nhẫn, tỉ mỉ, nhưng các nghệ nhân đến từ Quảng Trị lại là nam giới. Như nghệ nhân Hồ Văn Hồi, dân tộc Vân Kiều chia sẻ, lúc trước, anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ dệt thổ cẩm, nhưng khi nhận thấy, nhiều phụ nữ ở địa phương chưa “mặn mà”, nên anh quyết tâm học nghề. Anh muốn truyền đam mê và chứng minh cho chị em thấy nam giới làm được thì nữ giới chắc chắn sẽ làm được. Cũng từ đó, nhiều năm nay, dệt thổ cẩm đã ăn sâu, bám rễ vào suy nghĩ như chính đứa con tinh thần được anh nuôi nấng, chăm chút mỗi ngày. Tham gia phần thi dệt thổ cẩm, anh Hồi dệt váy-sản phẩm gắn liền với phụ nữ Vân Kiều.

Nghệ nhân Hồ Văn Hồi dệt thổ cẩm bằng niềm đam mê và tình yêu với truyền thống dân tộc

Anh Hồi cho biết: “Phụ nữ dệt đã khó, nam giới như tôi càng khó hơn, nhưng không vì vậy mà tôi nản, bỏ giữa chừng. Ngược lại càng khó, tôi càng cố gắng, làm ra một sản phẩm thì tinh thần lại được nhân lên gấp bội. Nhiều năm gắn bó với nghề truyền thống của dân tộc, tôi càng thấy đam mê. Mỗi tác phẩm, tôi đều thổi vào đó “hồn” của dân tộc và tình yêu thổ cẩm của mình. Lần này đến Đắk Nông, tôi hy vọng sẽ có nhiều du khách biết đến nét đẹp văn hóa của dân tộc Vân Kiều chúng tôi”.

Thêm yêu nghề truyền thống

Đến từ Ninh Thuận, bà Đạt Thị Nam, dân tộc Chăm đã gắn bó với dệt thổ cẩm từ hồi còn nhỏ, nên nắm rất rõ những hoa văn tinh tế, cách dệt thế nào, đưa chỉ ra sao để tạo được sự phong phú, tươi mới trong mỗi sản phẩm. Mỗi ngày, bà Nam đều tìm tòi, nghiên cứu để tạo ra những hoa văn mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt của dân tộc mình, cách pha màu tạo sự phong phú phù hợp với mỗi đối tượng, người sử dụng. Theo bà Nam, để thổ cẩm có sức sống bền bỉ thì tính ứng dụng cũng đóng góp một phần quan trọng.

ADQuảng cáo

Bà Thị Nam cho biết: “Dệt thổ cẩm mới học thì thấy khó, nhưng khi đã kiên trì thì dần dần trở nên thuần thục, dễ dàng. Đa số ai mới ban đầu học cũng rất nản, nhưng chỉ cần tự tạo ra được một sản phẩm thì sẽ có tinh thần để làm tiếp. Là người được tham dự nhiều hoạt động liên quan đến dệt thổ cẩm, nhưng trong không gian  như thế này, tôi đã học hỏi được thêm nhiều về thổ cẩm của mỗi dân tộc”.

Các nghệ nhân dệt bằng tình yêu, sự chăm chút, tỉ mỉ trong từng công đoạn

Đến từ An Giang, chị Ma Ri cũng là thế hệ thứ 3 gắn với dệt thổ cẩm của người Chăm. Thuở nhỏ, chị đã được chỉ dạy những đường dệt đầu tiên từ ông bà, cha mẹ, nên đến bây giờ dệt thổ cẩm đã ngấm vào trong máu, không chỉ là niềm đam mê mà còn trở thành nghề mưu sinh hàng ngày. Thông thường, chị dệt các sản phẩm như khăn sarum, khăn rằn…để bán cho khách du lịch. Chị Ma Ri cho biết: “Nghề nào cũng có cái khó, nhưng đối với dệt thổ cẩm đòi hỏi sự nhanh nhạy, khéo léo và tinh tế riêng. Nếu bạn làm bằng cái tâm, tình yêu đường kim, mũi chỉ, sợi vải thì sản phẩm làm ra sẽ có “hồn” và tạo được uy tín cho du khách cũng như nét riêng của dân tộc mình mà không lẫn vào đâu được”.

Gắn bó với nghề dệt thổ cẩm

Trong 11 đoàn tham gia phần thi dệt thổ cẩm, Đắk Nông có tới 8 đội đến từ các huyện, thị xã. Các nghệ nhân của Đắk Nông có người già, người trẻ, có người thâm niên nhiều năm, có người mới chỉ học dệt được 2-3 năm, nhưng đều có chung niềm đam mê với thổ cẩm dân tộc. Thị Ngăm ở huyện Đắk R’lấp năm nay 22 tuổi là một trong những người trẻ tham gia thi dệt thổ cẩm. Được bà ngoại truyền nghề dệt thổ cẩm, nhưng thời gian đầu, nhiều lúc Ngăm cũng nản vì thấy khó. Thế nhưng, qua sự động viên, khích lệ của bà cũng như mong muốn nét đẹp dân tộc được lưu giữ, Thị Ngăm đã cố gắng và nay đã dệt thành thạo nhiều sản phẩm về váy áo của dân tộc M’nông. Thị Ngăm cho biết: “Tham gia hội thi cũng là cách giúp mình thêm yêu và gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Vì vậy, ngoài thời gian học văn hóa, lúc nào rảnh rỗi, mình lại ngồi dệt để nâng cao tay nghề”.

Mỗi địa phương mang đến phần thi những nét đặc trưng riêng về hoa văn truyền thống của dân tộc

Phần thi dệt thổ cẩm góp phần tái hiện lại cách dệt, hoa văn, trang phục truyền thống của đồng bào vác dân tộc thiểu số. Với thời gian 6 giờ, mỗi đội từ 2-3 nghệ nhân tham gia dệt các sản phẩm thổ cẩm đặc trưng của vùng, miền, tái hiện lại hoạt động làng nghề dệt thổ cẩm. Với tinh thần nghiêm túc, gắn bó với nghề, các nghệ nhân đã chuẩn bị đầy đủ khung dệt, sợi, vải phục vụ cuộc thi, góp phần tạo nên sự đa dạng, đa sắc màu cho làng nghề truyền thống. Điều đáng trân trọng, mỗi người mỗi vẻ, các nghệ nhân đã nỗ lực đem đến những nét đẹp tinh tế, làm rõ được nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Đây không chỉ là dịp để các nghệ nhân trình diễn tay nghề mà còn cùng nhau học hỏi, lắng nghe để chung sức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung niềm đam mê với thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO