Cần không gian cho văn hóa cồng chiêng

Bình Minh| 22/01/2016 09:57

Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại (vào tháng 11/2005), không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được các ngành chức năng quan tâm, phát huy, bảo tồn. Tuy nhiên, sự quan tâm và tôn vinh ấy cần phải tôn trọng không gian văn hóa vốn có của nó.

ADQuảng cáo

Ngay sau lễ mừng được mùa lúa là tiếng cồng chiêng vang lên, mừng thần linh về chung vui. Ảnh: Hồ Mai

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thì cồng chiêng của các dân tộc ở Tây Nguyên vang lên cũng có nghĩa là con người đã khuấy động vào thế giới của các thần và linh hồn tổ tiên. Cồng chiêng của mỗi dân tộc, thậm chí mỗi nhóm địa phương, mỗi buôn, bon có ngôn ngữ riêng.

Nghe âm thanh vang lên từ loại cồng chiêng nào, bài chiêng nào là người dân của bon, các cộng đồng láng giềng hiểu rằng có việc gì đang diễn ra ở nơi có tiếng chiêng. Không gian thiêng ấy được tạo dựng bởi các lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên như nghi lễ gắn với đời người (lễ đặt tên, lễ cưới, lễ tang, bỏ mả…), gắn với vòng đời cây lúa (lễ đâm trâu, lễ mừng được mùa, lễ mở kho lúa…), ngoài ra còn lễ mừng nhà mới, lễ cúng bến nước, kết nghĩa… Bởi vậy, không có chuyện đồng bào vác chiêng ra để đánh chơi. Vì người ta không thể tự tiện gọi thần linh và tổ tiên về khi không có lễ vật dâng cúng để cầu xin hoặc tạ ơn.

Thế nhưng, hiện nay, cồng chiêng ngoài bị “sân khấu hóa” thì người ta có thể dễ dàng nghe, bắt gặp việc đánh chiêng ở bất cứ nơi đâu.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của chính quyền và ngành văn hóa các cấp. Khi mà hiện nay, số lượng chiêng được cấp phát tại các bon, buôn ngày càng tăng lên. Nhiều lớp dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng được mở để các nghệ nhân truyền dạy cho lớp thanh niên. Ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên cũng rất nỗ lực trong việc phục dựng một số nghi lễ gắn với lễ hội cồng chiêng hoặc tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế để di sản văn hóa độc đáo này được nhiều người biết đến.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, những nỗ lực “hồi sinh” ấy mới chỉ động đến được phần “xác” của văn hóa cồng chiêng, trong khi phần “hồn” của nó thì cứ biến đổi từng ngày, chưa có cách nào ngăn lại được. Cồng chiêng từ chỗ là khí nhạc thiêng nay đang trên đường trở thành một thứ nhạc cụ dân tộc để người ta có thể mang đi bất cứ đâu, gõ lên bất cứ lúc nào. Và như thế, liệu nó có giữ được những giá trị độc đáo, mà vì những giá trị ấy, thế giới đã công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.

Ở một góc nhìn nhận khác, sự mai một và thay đổi ấy quả thật là khó tránh khỏi trong thời đại toàn cầu hóa, giao lưu văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Thế nhưng, trên thực tế, các lễ hội truyền thống này đứng trước nguy cơ biến mất vì nhiều lý do thì đây là điều rất lo ngại. Tiếng chiêng ngày nay chủ yếu được vang lên để phục vụ du khách hoặc khi tham gia các Festival trong và ngoài nước.

Xem biểu diễn cồng chiêng trong không gian như thế khiến nhiều người am hiểu cho rằng, đó chỉ là dịp để vui chơi, giới thiệu về cồng chiêng mà thôi, còn giá trị văn hóa của nó để UNESCO căn cứ vào đó mà tôn vinh cồng chiêng Tây Nguyên thì  hoàn toàn  nhạt nhòa, lẫn lộn. Nghĩa là tiếng chiêng ngày nay rất ít cơ hội được vang lên trong không gian thiêng của lễ hội truyền thống.

Cố GS Trần Văn Khê từng nói: “Giá trị văn hóa ấy chỉ được xác lập và thật sự có ý nghĩa trong không gian thiêng của nó. Không gian ấy là hằng số bất biến để văn hóa cồng chiêng tồn tại và sống mãi với thời gian!”

Hãy tôn trọng và trả lại không gian vốn có cho cồng chiêng Tây Nguyên. Việc tổ chức lễ hội cồng chiêng là hoạt động nên làm nhưng các nhà tổ chức, cơ quan chức năng cũng cần phải có trách nhiệm và lưu tâm hơn đến giá trị văn hóa đặc sắc của cồng chiêng, vốn đã được UNESCO ghi nhận, tôn vinh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần không gian cho văn hóa cồng chiêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO