Buôn Buôr, nhiều vật thể có giá trị văn hóa đang mai một dần

Đức Diệu| 16/01/2015 09:13

Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn tồn tại cho đến ngày nay, buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Chư Jút) được ghi nhận là một trong những buôn cổ của đồng bào Ê đê xếp vào hàng quý hiếm của tỉnh nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung. Tuy nhiên, cùng với thời gian cũng như công tác bảo tồn còn nhiều bất cập, những vật thể có giá trị văn hóa tại buôn cổ này đang ngày bị mai một.

ADQuảng cáo

Vừa qua, khi nghe chuyện có nhiều “đại gia” đã về buôn Buôr hỏi mua nhà dài cũng như các vật dụng của đồng bào Ê đê, chúng tôi bán tín, bán nghi vì rõ ràng nơi đây đang được Nhà nước bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống.

Thế nhưng, khi về tới nơi, không chỉ thông tin trên là có thực mà sự thực còn đáng buồn hơn khi chứng kiến cảnh nhiều hiện vật, đồ vật đang dần “đội nón” ra đi. Thậm chí, cả hàng chục ngôi nhà dài truyền thống cũng đang chịu cảnh xuống cấp nghiêm trọng trước sự thờ ơ của chính người dân nơi đây.

Nhiều đoạn hàng rào xung quanh nhà văn hóa cộng đồng buôn Buôr đã bị sập đổ hoàn toàn

Đâu rồi buôn Buôr huyền thoại

Theo lời kể của người dân buôn Buôr thì cách đây đã mấy trăm mùa rẫy, cụ Aya H’Gân từ Hòa Xuân, nay thuộc thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã vượt sông Sêrêpốk sang bờ Nam lập ra buôn Buôr. Buôr trong tiếng Ê đê có nghĩa là vùng đất cao ráo được bao bọc bởi những con sông, con suối.

Buôn có bến nước thuộc dòng suối Ea Măng được bắt nguồn từ hai dòng suối Ea Djuôt và Ea H’ra chảy về. Bên bến nước có cây gòn, người đời sau gọi đó là cây linh hồn của buôn. Hơn 100 năm tồn tại, buôn Buôr đã trải qua gần chục đời “chủ buôn”. Mỗi đời “chủ buôn” là một giai đoạn phát triển, đồng nghĩa với việc bồi đắp ngày càng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Ê đê.

Thế nhưng, bây giờ về buôn, không gian xưa không chỉ đang dần bị hiện đại hóa mà ngay cả những giá trị văn hóa cốt lõi cũng đứng trước nguy cơ biến mất.  

Gia đình ông Aya Gun được bố mẹ để lại cho ngôi nhà dài gần trăm năm với nguyên trạng các vật dụng như chiêng, ché lớn nhỏ; ghế chân dê, ghế Kpan, trống da voi, nồi đồng … Đây cũng là một trong những ngôi nhà mà cách đây mấy năm được tỉnh đầu tư sửa chữa để bảo tồn. Vậy mà đã vài năm nay, nhà dài trống không, không một bóng người sinh sống.

Chiêng, ché, các vật dụng có giá trị thứ thì mất dần, thứ thì được gia đình “sơ tán” đi chỗ khác cất giữ. Mái tranh được trùng tu cách đây mấy năm giờ đã mục nát, trông rất tiêu điều. Điều đáng nói, mới đây, ngôi nhà này cùng với các vật dụng, đồ dùng cổ có người ở Đắk Lắk xuống tha thiết trả giá 1 tỷ đồng để mua.

Biết được thông tin, xã Tâm Thắng đã cử cán bộ về buôn để nắm tình hình cũng như tuyên truyền, vận động bà con giữ lại nhà dài và các hiện vật cổ. Tuy nhiên, lãnh đạo xã cũng cho biết nếu tỉnh không có giải pháp hữu hiệu thì không chỉ nhà dài bị hư hỏng theo năm tháng mà ngay cả xã cũng khó quản lý việc người dân bán các đồ dùng, nhà cửa nằm trong danh mục bảo tồn. Bởi vì, không riêng gì nhà dài của gia đình Aya Gun, hiện nay, buôn Buôr đang có khoảng 28 nhà dài cũng nằm trong tình trạng xuống cấp, nhiều nhà lâu nay không có người ở.

ADQuảng cáo

Bến nước của buôn cũng là một trong những danh mục đã được tỉnh đưa vào bảo tồn, đầu tư xây dựng lại. Thế nhưng hiện nay, do mực nước sông Sêrêpốk dâng cao từ việc ngăn đập thủy điện Hòa Phú, bến đã ngập hoàn toàn. Vì thế, mặc dù đây là nơi giặt dũ, tắm rửa của người dân nhưng hiện rất ít người lai vãng tới. Nghịch lý hơn, cạnh bến nước lại có một biển báo to đùng cảnh báo “mực nước sâu, cấm tắm”.

Phía bên trên bến, nơi trước đây thường diễn ra các lễ hội cúng tế thần linh của các bậc tiền nhân thì nay cũng đã trở thành… bãi rác. Đặc biệt, cây gòn hơn trăm năm tuổi, to bằng vòng tay 4 người ôm cạnh bến nước, được xem như là “cây linh hồn” của bon hiện cũng đã bị dòng nước làm xói mòn và cuốn trôi do thủy điện xả lũ.

Bảo tồn kiểu nửa vời

Để bảo tồn giá trị văn hóa tại buôn Buôr, đầu năm 2007, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Dự án bảo tồn buôn Buôr với số vốn trên 5 tỷ đồng. Dự án được triển khai trong 2 năm (2007-2008) với các hạng mục như trồng lại rừng thiêng, nạo vét ao hồ, sông suối, bảo tồn nhà cổ, dạy đánh cồng chiêng và các nghề truyền thống. Dự án cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm truyền thống của buôn.

Tuy nhiên, kết thúc dự án, ngoài việc mở được một số lớp dạy đánh cồng chiêng, nâng cấp bến nước, nhà văn hóa cộng đồng và khôi phục giếng cổ… thì chỉ có 2/10 nhà dài nằm trong kế hoạch được sửa chữa. Ngoài nguyên nhân do hạn chế về nguồn kinh phí đầu tư, việc dự án gần như thất bại là do việc đầu tư đang theo kiểu nửa vời.

Chỉ đơn cử, việc sửa chữa nhà dài không chỉ không đạt mục tiêu về số lượng mà ngay cả chất lượng cũng có nhiều bất cập. Hiện tại, hai nhà dài tại buôn Buôr nằm trong hạng mục đầu tư đều đã hư hỏng nặng nề do sau đầu tư không được bảo vệ, tiếp tục sửa chữa.

Những ngôi nhà xây hiện đại đang dần thay thế nhà dài trong đời sống người dân buôn Buôr

Tại thời điểm chúng tôi có mặt, nhà văn hóa cộng đồng, một công trình có vốn đầu tư lớn nhất của dự án thì nhiều hạng mục cũng đã hư hỏng nặng. Khu vệ sinh của nhà văn hóa và giếng bơm hầu như không hoạt động được, hàng rào xung quanh nhiều đoạn bị sập đổ hoàn toàn. Với tình trạng này, chưa nói đến sự “biến mất” của một số hiện vật, không gian văn hóa mà ngay cả những công trình, hạng mục đã được bỏ vốn đầu tư cũng khó “trụ” được.

Bỏ qua vấn đề chất lượng công trình, chỉ với việc đầu tư số vốn hàng tỷ đồng xong rồi để đó mà thiếu sự quan tâm bảo quản, tu sửa, khai thác cũng đã là một sự lãng phí lớn. Trong khi đó, vấn đề quan trọng nhất của dự án là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm truyền thống người dân buôn Buôr thì đến nay vẫn chưa làm được.

Việc bảo tồn chưa gắn với lợi ích thiết thực của người dân bản địa hiện nay đã dẫn đến tình trạng bản thân chủ nhân của những giá trị văn hóa truyền thống cũng không mấy mặn mà. Việc người dân có xu hướng thích ở nhà xây hiện đại mà bỏ quên nhà dài; tìm kiếm những đức tin mới mà xa dần với tục cúng Giàng… xét về khía cạnh nào đó âu cũng là một xu thế tất yếu.

Vì vậy, nếu việc bảo tồn mà chưa tạo được một môi trường cho các giá trị văn hóa đó “sống”  bằng việc kết nối với hoạt động du lịch, đem những giá trị văn hóa thành những sản phẩm du lịch độc đáo thì rất khó có thể bảo tồn một cách toàn vẹn ở mức cao nhất không gian văn hóa buôn cổ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buôn Buôr, nhiều vật thể có giá trị văn hóa đang mai một dần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO