Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấm điểm công tác tổ chức lễ hội

Nguồn TTXVN| 06/03/2015 08:42

Bắt đầu từ mùa lễ hội năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành chấm điểm công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở các địa phương.

ADQuảng cáo

Đây là điểm mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra sự chuyển biến tích cực trong đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian 2015.

Để thực hiện việc chấm điểm này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ban hành tiêu chí và thang điểm đánh giá để các địa phương tự bình xét và gửi về Bộ để đánh giá hàng năm.

Theo bộ tiêu chí này, có sáu nội dung chính là căn cứ đánh giá, chấm điểm cho các địa phương, bao gồm công tác quản lý, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hằng năm (tối đa 9 điểm); quán triệt, tuyên truyền văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, văn bản quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ (tối đa 6 điểm); thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội (tối đa 25 điểm); đảm bảo môi trường an toàn tổ chức lễ hội (tối đa 40 điểm); tổ chức các hoạt động dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật (10 điểm) và thực hiện thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội tại cơ sở (10 điểm). Điểm tổng của thang điểm đánh giá là 100.

Điểm đạt được dưới 50 là chưa hoàn thành; từ 95-100 điểm là hoàn thành xuất sắc; các mức từ 85-94 điểm và 51-84 điểm được đánh giá ở các mức độ hoàn thành tốt và hoàn thành.

Để việc đánh giá, “chấm điểm” thực sự khách quan, mang lại hiệu quả thì ngoài sự quyết liệt, sát sao của chính quyền địa phương còn phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Mặt khác, báo chí cũng cần nhập cuộc cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác tuyên truyền, giám sát và phản ánh tình hình thực hiện các tiêu chí này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

ADQuảng cáo

Đầu mùa lễ hội năm 2015 đến nay, ở nhiều lễ hội diễn ra nhiều hiện tượng không văn minh được phản ánh đậm nét trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó nổi cộm là hiện tượng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, hàng vạn người, nhất là thanh niên cùng la hét, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau tranh cướp lộc khiến nhiều người ngất, bị thương.

Một vấn đề khác cũng gây nhiều tranh cãi trên báo chí cũng như mạng xã hội là các nghi lễ dã man với động vật trong lễ hội chém lợn, chọi trâu, đâm trâu...

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có có ý kiến nên bỏ lễ hội không phù hợp với xã hội hiện tại. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên có chỉ đạo ngừng, hoặc cấm đối với các lễ hội có xuất hiện hiện tượng nguy hiểm, ảnh hưởng đến an ninh, uy tín, hình ảnh quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có quan điểm cho rằng các lễ hội mang tính chất tàn bạo, hủ tục cần phải được loại bỏ, chỉ giữ lại tiêu chí văn hóa, giá trị nhân văn. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp bộ ngành khác, hiện, bộ trưởng giao cơ quan chức năng rà soát toàn bộ, nghiên cứu truyền thống lễ hội, nguồn gốc để tham mưu cho lãnh đạo.

Sau khi nghiên cứu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo để đánh giá lại thực chất lễ hội, cái gì cần giữ, cái gì nên bỏ.

Sau mùa lễ hội 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành xin ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để có tiêu chí cụ thể.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấm điểm công tác tổ chức lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO