“Bảo tồn sống”

Tường Mạnh| 30/09/2016 09:29

Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật (VHNT), góp phần xây dựng văn hóa, con người Đắk Nông đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức mới đây, nhiều ý kiến, tham luận cho rằng, vấn đề bảo tồn văn hóa các dân tộc cần phải duy trì ở dạng “bảo tồn sống”.

ADQuảng cáo

Hội thảo “Nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật, góp phần xây dựng văn hóa, con người Đắk Nông đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức ngày 15/9 vừa qua. Ảnh: Mỹ Hằng

Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđăm-nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên cho rằng, trong nhiều năm qua, chính quyền, ngành chức năng và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông đã có nhiều sáng kiến trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn VHNT truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh như mời sáng tác ca khúc mới, phục dựng lễ hội, truyền dạy cồng chiêng, âm nhạc dân gian... Nhưng sao chúng ta vẫn cảm thấy như “muối bỏ bể”, trước sự mất mát diễn ra thường xuyên của một trong những nền văn minh nương rẫy vô cùng độc đáo. Vì vậy, việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy VHNT nói chung, âm nhạc dân gian các tộc người thiểu số nói riêng vẫn nên duy trì ở dạng “bảo tồn sống”. Nghĩa là cố gắng làm sao để “Không gian văn hóa-Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại” tồn tại trong chính cộng đồng các tộc người. Trước tiên là bằng cách thức tỉnh lòng tự tôn dân tộc và sự thấu hiểu các giá trị lớn lao của di sản (kể cả không gian). Điều đó chỉ thực thi được nếu hỏi ý kiến người dân, bằng chính tiếng nói của bon làng về việc giữ gìn cái gì, làm thế nào để giữ? Căn cứ vào ý dân mà xây dựng kế hoạch. Hãy tin ở dân.

Theo nhạc sĩ Mạnh Trí - hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thì trong lĩnh vực văn hóa dân gian nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng, hai cụm từ bảo tồn-phát huy thường được gắn liền, đi đôi với nhau. Khi điều kiện và môi trường diễn xướng dân ca mỗi ngày càng thiếu vắng, nếu không tích cực gìn giữ và phát huy, rất có khả năng không bao lâu nữa, dân ca M’nông sẽ trở thành xa lạ với cộng đồng, với lớp trẻ mới lớn lên. Thế nhưng, trước hết, chính đồng bào phải có ý thức về việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian của dân tộc mình. Để giúp sức, về phía ngành văn hóa cũng nên có kế hoạch phối hợp với các địa phương duy trì hàng năm việc tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian ngay tại các thôn, bon cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền giá trị các di sản văn hóa. Qua đó, đồng bào nâng cao nhận thức, tự giác tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn, tổ chức các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, trao đổi việc sưu tầm dân ca.

ADQuảng cáo

Nghệ sĩ ưu tú Võ Cường-Trưởng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông cho rằng, để tác phẩm âm nhạc mang bản sắc văn hóa dân tộc đi vào cuộc sống, góp phần giáo dục thẩm mỹ, từng bước làm thay đổi nhận thức của công chúng thì cần phải có thời gian, sự hỗ trợ về nhiều mặt. Nhưng trước hết cần phải có không gian, môi trường sống để công chúng, đồng bào có thể dần dần nhận diện và hiểu nó. Cùng với đồng bào, về phía đội ngũ sáng tác phải tận tâm với vùng văn hóa, phải biết trân trọng và coi vốn văn hóa truyền thống như máu huyết, hơi thở và cuộc sống sáng tạo nghệ thuật của mình.

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Gia Lai trao đổi, âm nhạc dân gian Tây Nguyên cũng hồn nhiên như cuộc sống và được truyền miệng, truyền tay từ đời này qua đời khác, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay với một sức sống mãnh liệt. Trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào của con người, chúng ta cũng bắt gặp các hình thức sinh hoạt âm nhạc độc đáo ở nhiều không gian và thời gian khác nhau. Âm nhạc dân gian Tây Nguyên không chỉ là món ăn tinh thần đã thấm sâu vào từng đường gân, thớ thịt của người dân nơi đây mà còn “bay qua chín tầng trời, thấm sâu vào lòng đất”. Thực tế đó cho thấy, đồng bào luôn có ý thức gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng, nên cần có sự quan tâm động viên, khích lệ thường xuyên.

Có thể nói, cùng với sự hỗ trợ, giúp sức của các cấp chính quyền, ngành chức năng thì suy cho cùng, chính đồng bào các dân tộc-chủ thể văn hóa mới quyết định, có tiếng nói quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bảo tồn sống”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO