Bảo tồn, phát huy hoa văn truyền thống

Hưng Nguyên| 21/11/2014 09:50

Hoa văn là một trong những nội dung được Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ” triển khai thực hiện trong những năm qua. Thông qua đề án, đồng bào đã tiếp nối, bảo tồn và phát huy hoa văn, bản sắc đặc trưng của dân tộc mình.

ADQuảng cáo

Hoa văn trong đời sống cộng đồng

Dễ thấy nhất là hoa văn thể hiện ở trang phục của phụ nữ các dân tộc, với những họa tiết cầu kỳ và màu sắc rực rỡ. Cách trang trí trên trang phục càng làm nổi bật lên những đường nét cụ thể, sinh động trong cuộc sống.

Hoa văn truyền thống được thể hiện tinh tế trên trang phục truyền thống

Trang phục được đồng bào thêu, dệt từ những quan niệm, tín ngưỡng, thể hiện rõ qua cách bố trí màu sắc, hình thù lấy từ thiên nhiên, điểm xuyết bằng hình ảnh chim, thú, cỏ cây hoặc những hình ảnh sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, trên trang phục thổ cẩm của người M’nông còn được trang trí những hình mẫu tự La tinh có cấu trúc cân đối, hoặc là những con số…

Dù không qua trường lớp đào tạo hội họa nào, nhưng những nghệ nhân dệt thổ cẩm đã tạo nên những bức tranh mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống với những đường nét, mảng khối, họa tiết đầy tính hình tượng, hài hòa, hết sức sáng tạo.

Nghệ nhân H’Dder, truyền dạy dệt thổ cẩm ở bon Đắk K’rai, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) cho biết: “Tùy theo ý đồ của người dệt, nhưng phần lớn qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân sẽ tạo nên những họa tiết rất bắt mắt trên trang phục truyền thống. Việc phối màu cũng tạo nên điểm nhấn cho bộ trang phục, họa tiết càng thêm nổi bật, đẹp và tinh tế hơn”.

Nghệ nhân Điểu N’Jah-người đã tham gia nhiều lớp truyền dạy làm cây nêu ở bon Bu Prâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song) nói: “Trên đàn tế “hồn lúa” của đồng bào M’nông nổi bật là những đường vẽ phác thảo máu của con vật hiến sinh. Trên thân cây nêu có mặt trong lễ kết nghĩa cũng dày đặc các hoa văn trang trí, với những gam màu tương phản, thể hiện một số hình tượng quen thuộc như: hình tam giác, trái trám, với sự linh hoạt trong bố cục và gam màu cho từng họa tiết”.

Nghệ nhân đan lát K’Brê, ở bon B’Sêrê A, xã Đắk Som (Đắk Glong) chia sẻ: “Nếu bắt gặp giữa đường hay trên nương rẫy, những người đàn ông, đàn bà mang gùi cũng có thể biết được họ thuộc dân tộc nào dựa vào các yếu tố chủ yếu của công cụ như: hình khối thân gùi và kỹ thuật tạo dáng, làm nan, đan, cấu tạo của chân đế, quai gùi, cách bố trí hoa văn trang trí trên đó. Riêng trên thân gùi của người M’nông, hoa văn thường được phô ra dày đặc và theo quy tắc bố cục thành các dải nằm ngang, màu nổi rõ (đen – trắng hay đen – vàng) tập trung ở hai đầu trên và dưới. Riêng loại gùi dùng để mang theo  khi đi xa có những dải màu nổi rõ trên khắp thân gùi, phía dưới vành cạp và đầu hai quai gùi còn được bố trí những cụm chỉ màu đỏ, xanh hay tím xen kẽ”.

ADQuảng cáo

Đồng bào được khuyến khích lưu giữ, sáng tác

Có thể nói, hoa văn của mỗi dân tộc không chỉ biểu đạt những nghệ thuật đặc sắc riêng biệt mà còn thể hiện những tâm tư nguyện vọng, tình cảm của con người đối với cuộc sống, môi trường, thiên nhiên. Qua điều tra, thống kê thì đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh hiện đang lưu giữ, sáng tạo khoảng 113 loại hoa văn; trong đó dân tộc M’nông chiếm nhiều nhất có đến 99 loại.

Chiếc gùi truyền thống mang những hoa văn tinh xảo

Trong khuôn khổ thực hiện đề án, Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch cùng các địa phương cũng đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy dệt thổ cẩm, đan gùi, làm cây nêu, cột lễ. Thông qua đó, các dân tộc bản địa M’nông, Mạ, Ê đê đã tiếp nối và bảo tồn được nhiều hoa văn độc đáo, mang bản sắc đặc trưng của dân tộc mình.

Tại các ngày hội văn hóa các dân tộc cấp huyện, tỉnh đều có phần thi làm cây nêu, cột lễ, dệt thổ cẩm để chọn ra những cây nêu, bộ trang phục có hoa văn đẹp nhất. Đồng thời, ngày hội cũng luôn có góc  trưng bày những dụng cụ sinh hoạt truyền thống đặc trưng của các dân tộc, với rất nhiều hiện vật đa dạng, phong phú về hoa văn. Chính các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát huy các loại hoa văn của dân tộc.

Bên cạnh đó, những người già, nghệ nhân trong các bon làng đã nhiệt tình truyền dạy cho thế hệ trẻ biết những đặc điểm của hoa văn truyền thống. Từ kiến thức khái quát, cơ bản cho đến “cầm tay chỉ việc”, nhiều hoa văn đơn giản cũng như tinh xảo đã được truyền dạy tới từng học viên.

Với đặc điểm hoa văn của các dân tộc thường là hình tượng được cách điệu từ hình ảnh cuộc sống, gắn với thiên nhiên như: hình tượng mặt trời, sóng nước, hạt lúa, hình người, hình thú... xuất hiện trên trang phục, cây nêu, gùi, bồ lúa, sạp ngồi, trong những lễ hội lớn của cộng đồng… đã tạo sự gần gũi đối với mỗi người dân, cộng đồng.

Việc sáng tạo dựa trên những hình tượng, đường nét, màu sắc có mục đích rõ ràng, các họa tiết hoa văn được hình  thành và phát triển qua nhiều thế hệ, được xem là một sáng tạo nghệ thuật mang tính cộng đồng đậm nét. Hiện nay, sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc cũng đã tạo nên những cách thể hiện hoa văn trên các vật dụng sinh hoạt ngày càng thêm phong phú, đa dạng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, phát huy hoa văn truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO