Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

Đức Hùng| 28/03/2014 14:06

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì trên địa bàn tỉnh hiện có 10 di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh được xếp hạng, trong đó, có 9 di tích cấp quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh.

ADQuảng cáo

Trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh và các bộ, ngành Trung ương, phần lớn các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư khôi phục, tôn tạo phục dựng.

Đoàn viên, thanh niên tham quan Nhà ngục Đắk Mil

Trong tổng số 6 di tích lịch sử cách mạng các thời kỳ, đến nay, các di tích: Căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV, Nhà ngục Đắk Mil, Đồi 722 – Đắk Sắk đã được quy hoạch, đầu tư phục dựng, tôn tạo và đưa vào phục vụ tham quan, tìm hiểu của người dân.

Các di tích khác như: các điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo; điểm lưu niệm N’Trang Gưh cũng đang được nghiên cứu và từng bước được quy hoạch, bảo tồn.

Riêng di tích điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam và di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đến nay, sau khi tập hợp hình ảnh tư liệu, lập bản đồ đường đến, khoanh vùng, ngành văn hóa đã và đang triển khai các hoạt động phục dựng, tôn tạo…

Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh cũng đã xây dựng một số nhà trưng bày tại các điểm di tích và tập trung trưng bày, giới thiệu những nội dung chính về lịch sử, văn hóa của di tích. Việc vận động người dân, cựu chiến binh đóng góp hiện vật liên quan, gắn với các cuộc đấu tranh để trưng bày cũng được chú trọng.

ADQuảng cáo

Trong thời gian qua, Bảo tàng tỉnh cũng đã phối hợp với phòng giáo dục các huyện, đoàn thể, các trường học trên địa bàn tổ chức các hoạt động tham quan cho đoàn viên, thanh niên, học sinh như một buổi học ngoại khóa, chương trình “về nguồn”. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng gần 1.500 học sinh, thanh niên tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng.

Khu căn cứ Kháng chiến B4 - liên tỉnh IV

Về phía ngành văn hóa đang nỗ lực liên kết các tour du lịch địa phương và trong nước để thu hút khách tham quan đến các địa điểm di tích. Việc đào tạo, tăng cường những hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, đảm bảo nhu cầu tìm hiểu về di tích, vùng đất lịch sử con người Đắk Nông cũng được quan tâm.

Các sản phẩm dịch vụ kèm theo cũng ngày càng phong phú, đa dạng như: phát hành ấn phẩm, băng đĩa, sách, ảnh tư liệu từ nhiều nguồn trong và ngoài tỉnh để quảng bá di tích. Hệ thống hạ tầng, giao thông, môi trường tại các điểm di tích cũng không ngừng được cải thiện. Cùng với đó, tại các di tích được công nhận xếp hạng đều được chính quyền địa phương thành lập ban quản lý, có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của di tích.

Tuy nhiên, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa đạt hiệu quả cao thì cần gắn kết các điểm di tích với các tour du lịch trong và ngoài tỉnh. Cùng với việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với các khu di tích thì việc tổ chức quảng bá cũng cần được chú trọng hơn nữa.

Ngoài ra, việc tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng là điều mà các cấp, các ngành cần quan tâm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO