Ba khía muối - món ăn đặc trưng của Cà Mau

Nguyễn Hồng (th)| 24/07/2020 07:51

Tháng 6 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp UBND huyện Ngọc Hiển tổ chức Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống “Nghề muối ba khía”.

ADQuảng cáo

Món ba khía muối hay còn gọi là mắm ba khía mang đầy đủ nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực của người dân vùng đất Cà Mau. Bởi, người dân nơi đây không chỉ đặc biệt yêu thích món ăn này mà còn xuất phát từ thực tế cuộc sống được hình thành từ thời đi khẩn hoang, mở cõi.

Ba khía là loài thuộc họ nhà cua, sống nhiều trong các khu rừng ngập mặn ở Cà Mau. Ba khía sinh sản rất nhanh, vào tháng 10 âm lịch hằng năm, chúng tập trung sinh sôi có khi đến hàng triệu con ở một góc rừng. Người dân miệt rừng gọi hiện tượng này là ba khía hội. Ba khía muối có mùi vị rất đặc trưng và trở thành đặc sản không thể thiếu của Cà Mau.

Ba khía tươi được rửa sạch, sau đó cho ba ngâm nước muối, rồi cho vào lu, khạp, sau 5 ngày là có thể xuất bán.

Qua thời gian, nghề muối ba khía tập trung nhiều tại các huyện: Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân, Ngọc Hiển... Nghề muối ba khía được duy trì qua nhiều thế hệ cư dân vùng rừng ngập Cà Mau và được biến tấu với nhiều cách làm khác nhau, song vẫn giữ được phong tục truyền thống và hương vị rất riêng.

Với trữ lượng ba khía dồi dào, bà con đã tìm tòi, sáng chế nghề muối ba khía, vừa có thực phẩm cho bữa ăn gia đình hằng ngày, vừa để dự trữ cho các chuyến đi rừng, đánh bắt biển. Nghề này được lưu truyền qua nhiều thế hệ và đang phát triển mạnh, tạo được nguồn sinh kế cho nhiều hộ dân sinh sống dưới tán rừng đước.

ADQuảng cáo

Ba khía muối

Kỹ thuật nghề muối ba khía còn là tri thức dân gian trong ẩm thực, từ cách làm sạch nguyên liệu, công thức muối cho đến kinh nghiệm chế biến món ăn. Sự tài hoa của các nghệ nhân muối ba khía thể hiện rõ ở kinh nghiệm pha chế độ mặn của nước muối. Có hai cách muối ba khía, cách thứ nhất là rửa sạch ba khía, đem phơi khô, pha nước với muối và nước mắm đủ độ rồi cho trực tiếp con ba khía vào muối luôn; cách thứ hai, dùng hỗn hợp nước muối và nước mắm ngâm cho ba khía chết, sau 5 - 7 giờ, nấu nước muối đó lại cho sôi đúng độ, để nguội, rồi pha chế với đường, bột ngọt, tỏi để muối ba khía.

Hiện nay, nhiều hộ dân sinh sống ở vùng đất ngập mặn huyện Ngọc Hiển có cuộc sống ấm no nhờ nghề muối ba khía. Ở vùng đất Ngọc Hiển, phù sa, dinh dưỡng trong đất dồi dào, tạo điều kiện cho cây mắm, cây đước phát triển, đến mùa trái mắm, mùa lá đước rụng, con ba khía ăn vào sẽ cho gạch vàng ươm. Đây là điều mà chỉ con ba khía ở vùng đất Ngọc Hiển mới có. Chất lượng ba khía muối nơi này cũng khó nơi nào sánh kịp. Những nghệ nhân vùng đất cực Nam luôn cẩn thận trong việc lựa từng con ba khía tươi, thịt chắc, rửa sạch rồi đem cho uống nước muối, để ráo, rồi cho vào khạp, lu, quậy nước muối trắng đổ vào. Tùy vào kỹ thuật của từng gia đình làm nghề mà cho ra con ba khía muối ngon, chất lượng, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Món ba khía muối trộn với chanh, tỏi, ớt… sẽ khiến du khách nhớ mãi khi một lần được thưởng thức.

Chính vị đậm đà đã tạo nên thương hiệu riêng cho ba khía muối Ngọc Hiển trở thành đặc sản nổi tiếng khắp nước và còn xuất khẩu ra nước ngoài.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba khía muối - món ăn đặc trưng của Cà Mau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO