Ấn tượng sông Hương

Ghi chép của Thương Hà| 25/04/2014 10:09

Với tôi, từ thuở học trò đã biết đến sông Hương qua những trang sách. Sau này, mỗi lần đi phép về thăm quê, khi qua Huế, ngồi trên tàu, xe, cũng được liếc nhìn dòng nước trong xanh qua ô cửa.

ADQuảng cáo

Cũng có dịp đi công tác, được dừng nghỉ lại nơi cố đô, đã tranh thủ ra chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông xanh với đôi bờ là thành quách, đô thị, cây hoa…  Nhưng được ngồi trên thuyền xuôi, ngược trên dòng sông này thì vừa rồi đây mới được trải nghiệm. Ấy là trong dịp về dự một cuộc hội thảo ở Huế, các đồng nghiệp địa phương đã bố trí cho các đại biểu dự hội thảo một chuyến đi du ngoạn sông Hương. Theo lịch trình, chúng tôi được đi “thuyền rồng” từ Khách sạn Hương Giang  ngược dòng lên Điện Hòn Chén, sau đó xuôi về Chùa Thiên Mụ, rồi trở lại Khách sạn.

Thành phố Huế bên dòng sông Hương

Trước khi trải nghiệm với thực tế, tôi tranh thủ vào “mạng” để có chút kiến thức về dòng sông này. Theo đó, sông Hương, hay theo từ Hán Việt mà các thi sĩ, nhạc sĩ vẫn ưa dùng là Hương Giang có hai nhánh chính là Tả Trạch và Hữu Trạch đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn. Hai nhánh này hợp với nhau tại ngã ba Bằng Lãng thuộc địa phận xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà và từ đây được gọi là sông Hương.

Từ ngã ba Bằng Lãng đến cửa Thuận An, sông dài 33 km, nước trong xanh và chảy rất chậm. Trong dân gian, sông này có nhiều tên gọi như: Lô Dung, Linh, Dinh, Kim Trà, Hương và hiện chủ yếu gọi là sông Hương. Có truyền thuyết nói rằng, sở dĩ có tên gọi là sông Hương bởi tại đầu nguồn sông có nhiều giống cỏ Thạch Xương Bồ đưa mùi hương vào dòng nước. Bởi thế sông Hương không chỉ đẹp mà nước sông còn thơm nữa. Nhưng cũng có người cho rằng tên Hương của sông là gọi theo địa danh vì sông chảy qua thị xã (trước kia gọi là huyện) Hương Trà nên mới mang tên này…

Có lẽ không chỉ riêng tôi mới là người khấp khởi bởi chuyến đi này mà nhiều người trong đoàn cũng thế, nên không dám ngủ trưa để đúng đầu giờ chiều là đã tề tựu ở bến sông. Để đảm bảo việc theo dõi, quản lý và tạo điều kiện hỗ trợ khi cần thiết cho các đại biểu trong quá trình đi thực tế, nên ban tổ chức đã phân công cụ thể từng nhóm người đi theo từng thuyền nhất định; mỗi thuyền có khoảng 35 người. Nhóm đại biểu ở Đắk Nông được xếp vào thuyền số 1, đi đầu.

“Thuyền rồng” là chiếc thuyền sắt, mũi thuyền có gắn một cặp đầu rồng cũng được gò, cắt bằng tôn; phần ngoài được sơn, vẽ khá màu mè. Trong lòng thuyền là sàn bằng phẳng, có mái lợp tôn để che mưa, nắng; trên sàn xếp mấy hàng ghế nhựa có tựa cho du khách ngồi. Thuyền di chuyển được nhờ có “chân vịt” chạy bằng động cơ lắp ở phía sau. Điều khiển “thuyền rồng” mà chúng tôi có dịp đi là một cặp vợ chồng đã trung tuổi. Tôi hỏi thăm thì được biết chiếc thuyền này do anh chị tự sắm, trị giá khoảng 1 tỷ đồng để chở thuê cho các khách sạn; trên sông Hương hiện có hàng trăm, hàng nghìn hộ gia đình sắm thuyền, sống bằng nghề đưa khách du ngoạn trên sông.

Thuyền rời bến, ngược về thượng nguồn theo hướng Tây, chậm rãi chui qua cầu Tràng Tiền, cầu Phú Xuân, rồi cầu Gia Hội. Ngồi trên thuyền, nhìn sang hai bên bờ thấy đô thị Huế với những tòa nhà cao tầng, những khu du lịch sinh thái ẩn hiện trong rừng thông xanh; những công trình của cố đô như thành quách, văn lâu; hoặc những công trình tôn giáo tâm linh như chùa chiền, đền tháp... như những bức phù điêu muôn màu, muôn vẻ nối tiếp nhau.

Theo người lái thuyền cho biết thì sông này có mực nước khá sâu, nhất là những vị trí là bến lên các chùa, đền, lăng… có độ sâu tới vài chục mét. Bởi vậy, du thuyền xuôi ngược trên sông cũng như cập vào những bến để du khách lên bờ rất thuận tiện. Ngồi trên thuyền, nhìn trước, nhìn sau, chúng tôi thấy khá nhiều thuyền rồng đưa du khách đi thăm thú.

Đôi khi, chúng tôi lại gặp vài ba chiếc thuyền đang xúc cát, hoặc đánh lưới; hoặc nhìn lên bờ, thấy cả những cặp tình nhân quấn quýt bên nhau dưới những bóng cây… Theo các bạn đồng nghiệp ở Huế cho biết, du ngoạn bằng thuyền thì cứ ngược lên thượng nguồn sẽ được thăm các di tích như Lăng Minh Mạng, Lăng Gia Long… phải mất cả ngày. Tuy nhiên, chuyến đi này, chúng tôi chỉ có lịch trình xa nhất là tới Điện Hòn Chén rồi quay về… nên chỉ hết nửa ngày.

Thuyền đi khoảng 90 phút thì đến Điện Hòn Chén. Theo tài liệu tôi sưu tầm được thì Điện Hòn Chén được xây cất trên núi Ngọc Trản, thuộc thôn Ngọc Hồ, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà. Núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn, sau mới đổi tên là Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc), dân gian vẫn quen gọi là Hòn Chén (đọc trại từ chữ hoàn chén) vì nó có liên quan đến giai thoại về vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc; sau được một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua.

Trên núi có ngôi đền mang tên “Ngọc Trản Sơn Từ” (đền thờ ở núi Ngọc Trản); nhưng đến thời Đồng Khánh (1886 -1888), ngôi đền được đổi tên là Huệ Nam Điện (ý là mang lại ân huệ cho vua nước Nam) và cũng gắn với nhiều giai thoại khác nữa. Ðiện Hòn Chén là nơi ngày xưa người Chăm thờ nữ thần PoNagar, sau đó người Việt theo Thiên Tiên Thánh Giáo tiếp tục thờ bà dưới xưng Thánh Mẫu Thiên Y A Na.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, tại điện Hòn Chén, người ta còn thờ Phật, thờ Thánh Quan Công và hơn 100 vị thần thánh khác thuộc vào hàng đồ đệ của các thánh thần nói trên. Điện Hòn Chén là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian; giữa lễ hội và đồng bóng; giữa văn hóa tâm linh và mê tín dị đoan, là một điểm tham quan độc đáo thu hút hàng ngàn du khách, nhất là vào dịp lễ hội tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm.

Khách thập phương đến thăm viếng Điện Hòn Chén

Từ sông Hương nhìn lên, núi Ngọc Trản đậm đặc màu xanh cây lá. Thế nhưng, khi leo qua mấy chục bậc tam cấp lên đỉnh là thấy trước mắt hiện ra cụm công trình với vô số những ngôi đền to, nhỏ nằm trên sườn núi nối với nhau bằng những bậc tam cấp hoặc con đường mòn nhỏ và dốc. Bên trong mỗi ngôi đền là các ban thờ với những tượng, lư hương, bình hoa… sơn son, thếp vàng.

Trước khi đi, các bạn đồng nghiệp ở Huế đã cho biết đây là nơi thờ Mẫu, có một hoạt động mang tính tâm linh là “xin xăm” linh lắm. Mọi người trong đoàn nhường cho tôi vào xin trước. Thú thật, lần đầu tiên làm việc này, tôi cũng ngường ngượng. Cắm ba cây nhang lên ban thờ; hai tay ôm “bình quẻ” lắc mãi mới ra … hai cây. Vậy là chưa được.

Có người nhắc: “Bác phải khấn xin một cái gì cụ thể mới được chứ”. Nghe vậy, tôi cũng lẩm nhẩm khấn đại loại là: Tôi ở xa về, nghe tin nơi này linh thiêng nên đến xin thánh thần phù hộ cho mọi người trong cơ quan, đơn vị luôn có sức khỏe, đoàn kết, làm ăn thành đạt, gia đình hạnh phúc… Khấn xong, tôi nhắm mắt ôm bình quẻ, lắc mấy cái liền. Chẳng hiểu thánh thần có nghe lời khẩn cầu của tôi hay không mà chỉ vài lần lắc, trong bình rơi ra một quẻ mang số 16.

Người thủ từ xem số rồi dẫn tôi vào “hậu cung” lấy cho một tờ giấy ghi số 16 với tiêu đề “Thượng thượng” và nói rằng đây là một quẻ tốt lành, người xin được quẻ này thì khấn xin gì, thánh thần sẽ phù hộ cho được như vậy… Nhiều người trong đoàn tỏ ra mừng cho tôi. Có người hỏi: Sao bác không khấn xin cho bác mà lại xin cho tập thể? Tôi bảo: Mình xin cho cả tập thể mà tốt thế thì trong đó cũng có mình rồi mà… Dù chẳng biết lời giải trong cái “xăm” kia có đúng, có vận vào thực tiễn của mình không; nhưng quả là sau đó tự trong mình cứ thấy vui vui… Rồi lại tự nhủ: Coi chừng lại đâm ra mê tín lúc nào không hay?

Rời Điện Hòn Chén, thuyền đưa chúng tôi xuôi dòng về thăm Chùa Thiên Mụ.

Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, thuộc phường Hương Long, thành phố Huế, đã được xây dựng cách đây khoảng hơn 400 năm. Tên của Chùa gắn liền với giai thoại về một bà lão đã tiên đoán có “chân chúa” tới đây lập nghiệp. Vì thế nên khi xây chùa vào năm 1601, chính Chúa Nguyễn Hoàng đã đặt tên cho chùa là Thiên Mụ (Mẹ Trời).

Trong một khuôn viên rộng lớn, quần thể chùa gồm nhiều công trình kiến trúc và bảo vật; trong đó nổi bật là Tháp Phước Duyên, Đại Hồng Chung (chuông lớn) và chiếc xe ô tô đã chở Hòa thượng Thích Quảng Đức tới Ngã tư Bảy Hiền để tự thiêu nhằm phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1963. Tháp Phước Duyên cao 21 mét, gồm 7 tầng và Đại Hồng Chung nặng 2.000 kg, được công nhận là bảo vật quốc gia, đã là biểu tượng đặc sắc của Chùa Thiên Mụ, của Huế, làm tốn bao nhiêu giấy bút của giới văn nghệ sĩ. Còn di vật là chiếc xe ô tô thì luôn nhắc nhớ cho du khách về một cuộc đấu tranh bảo vệ sự sinh tồn cho tôn giáo và Tổ quốc của người dân đất Việt...

Thời điểm chúng tôi đến Chùa Thiên Mụ, trời đã ngả sang chiều nhưng trên quần thể chùa vẫn còn rất đông du khách. Một doàn khách là các cựu chiến binh từ tỉnh Quảng Ninh vào cứ nấn ná mãi nơi để chiếc xe của Hòa thượng Thích Quảng Đức; một nhóm khách người nước ngoài tập trung trước Điện Thiên Vương để chụp ảnh lưu niệm; còn nhiều khách trẻ thì xúm quanh Đại Hồng Chung với thắc mắc: Chuông to mà của tháp bé thế thì làm sao đưa chuông vào được? Thế mới là độc đáo chứ!... Đứng trên sân Chùa Thiên Mụ, nhìn về hướng Tây Nam, thấy xa xanh một đỉnh núi. Bạn đồng nghiệp ở Huế đi cùng cho tôi biết, đó là Ngự Bình… Sông Hương, núi Ngự là đây, nhưng quỹ thời gian có hạn, sông Hương tôi còn chưa đi hết, Ngự Bình xin khất lại dịp sau…

Thăm thú Chùa Thiên Mụ một hồi, khi xuống thuyền đúng vào lúc mặt trời sà xuống thấp, soi đỏ rực trên sông xanh. Trước mắt tôi là một khung cảnh thật hoành tráng hội đủ hình ảnh trời, đất, nước, non, con người với nhiều màu sắc. Thật không còn gì đẹp hơn và lãng mạn hơn lúc này. Tôi tự hỏi rằng tôi đã gặp may, hay sông Hương vẫn vậy? Cảnh thật mà cứ như trong thơ…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấn tượng sông Hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO