Hội thảo khoa học nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với việc làm sau đào tạo

Hoàng Hoài| 22/05/2018 15:47

Ngày 22/5, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với việc làm sau đào tạo, với sự tham dự của các chuyên gia, nhà tuyển dụng lao động đến từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Công ty TNHH RK Resources (Bình Dương), Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Video clip:

Theo đánh giá, hiện công tác giải quyết việc làm của Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn, thiếu tính bền vững

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo cho thấy, Đắk Nông hiện có 609.595 người; trong đó độ tuổi lao động là 381.273 người (chiếm 62,54%), lao động tham gia hoạt động kinh tế là 379.948 người (chiếm 99,65%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo tham gia hoạt động kinh tế tăng đều qua các năm. Giai đoạn 2015-2017, số lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm 55.429 lượt người, trong đó làm việc trong nước chiếm 99,15%, đi làm việc ở nước ngoài 467 lao động (chiếm 0,85%). Lao động đã qua đào tạo được tạo việc làm khoảng 16.488 lượt người (chiếm 29,74% tổng số lao động được tạo việc làm).

Tuy nhiên, lao động tham gia hoạt động kinh tế chưa qua đào tạo tỉnh Đắk Nông còn chiếm tỷ lệ cao (61%). Chất lượng lao động còn nhiều hạn chế như phân bổ nguồn lực lao động giữa thành thị và nông thôn chưa đồng đều, thiếu tính ổn định, năng suất lao động thấp…Công tác giải quyết việc làm còn gặp nhiều khó khăn, thiếu tính bền vững, lao động tập trung nhiều ở lĩnh vực nông nghiệp…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Người học ra trường phải đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, có việc làm và thu nhập tốt hơn. Người đáp ứng yêu cầu và có nguyện vọng cần được học theo học các chương trình liên thông, không để tình trạng đào tạo ra không có việc làm, thất nghiệp, lãng phí nguồn lực xã hội…

Các chuyên gia tham luận về những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tổ chức đào tạo và tuyển dụng sau tốt nghiệp

Hội thảo đã được nghe các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp, đại diện các trường nghề trong tỉnh trình bày một số tham luận: Thực trạng và định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam; Thông tin thị trường lao động và kết nối cung cầu của lao động; Yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực, trình độ tay nghề, kiến thức, kỹ năng cần thiết trong tuyển dụng lao động tại doanh nghiệp tỉnh; Phương pháp xây dựng chương trình đào tạo và hợp tác đặt hàng đào tạo; Những khó khăn vướng mắc trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm, hoàn thiện giải pháp trong thời gian tới…

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh: Đào tạo nghề gắn với việc làm sau đào tạo là một hoạt động quan trọng, có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Thông qua hội thảo, tỉnh và các ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm ra các giải pháp gắn kết nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong đào tạo, lao động việc làm ở địa phương. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và hệ thống chính trị trong đào tạo dạy nghề, việc làm rất quan trọng, góp phần đưa luật giáo dục nghề nghiệp đi vào thực tế cuộc sống. Các trường nghề, trung tâm giáo dục dạy nghề ở địa phương cũng cần nghiên cứu, thay đổi, sáng tạo trong hoạt động giảng dạy để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, định hướng việc làm trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo khoa học nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với việc làm sau đào tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO