Giai đoạn 2011-2015, hơn 213.500 lao động nông thôn Tây Nguyên được đào tạo nghề

Tường Mạnh| 05/07/2016 10:08

Theo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐTB-XH), tại Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định 1951/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục - đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015, vừa được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), trong 5 năm qua, mạng lưới dạy nghề trong vùng Tây Nguyên tiếp tục phát triển về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả.

 Tính đến nay, toàn vùng có 108 cơ sở dạy nghề (tăng 25 cơ sở so với năm 2010) gồm: 6 trường cao đẳng nghề, 12 trường trung cấp nghề, 90 trung tâm dạy nghề; 68/80 đơn vị cấp huyện có cơ sở dạy nghề công lập. Công tác xã hội hóa dạy nghề cũng được đẩy mạnh, hiện có 65 cơ sở dạy nghề ngoài công lập (chiếm 38%).

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng số tuyển sinh học nghề tại 5 tỉnh Tây Nguyên là 427.921 người (bình quân mỗi năm dạy nghề cho 85.584 người, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2006-2010; trong đó, tuyển sinh cao đẳng nghề, trung cấp nghề chiếm khoảng 8,4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của toàn vùng tăng từ 26,5% năm 2010 lên 33,5% vào năm 2015. Tính riêng dạy nghề cho lao động nông thôn thì cũng đã có 213.516 người được dạy nghề; trong đó, gần 50% là người dân tộc thiểu số; Tạo việc làm cho khoảng 159.577 người sau đào tạo.

Một bộ phận lớn lao động nông thôn (gần 34.000 người) đã chuyển sang làm công nhân trong các doanh nghiệp, hoặc làm chủ các xưởng sản xuất, tổ nhóm sản xuất, tạo việc làm cho lao động khác và cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp. Một bộ phận khác sau khi học nghề tiếp tục làm nghề cũ, nhưng năng suất lao động được nâng lên, tiết kiệm được chi phí sản xuất (5-20%), hiệu quả, thu nhập tăng (10-30%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giai đoạn 2011-2015, hơn 213.500 lao động nông thôn Tây Nguyên được đào tạo nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO