Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao

Văn Tâm| 18/03/2020 13:43

Sáng 18/3, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW, ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia năm 2020”.

Video clip:

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, cùng chủ trì Hội nghị. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, cùng lãnh đạo các bộ, ngành tham dự.

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn;TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại đầu cầu tỉnh Đắk Nông

Sau 10 năm thực hiện Đề án, có 12 chỉ tiêu về lương thực đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó đáng chú ý là diện tích đất trồng lúa cả nước hiện nay đạt trên 4,159 triệu ha (mục tiêu đề ra là 3,76 triệu ha). Sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (mục tiêu đề ra 41-43 triệu tấn). Xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (mục tiêu đề ra 4 triệu tấn)...

Giai đoạn 2009-2019, ngành Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân là 2,61%/năm. Hiện nay, năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ.

Tình trạng thiếu dinh dưỡng của cả nước được cải thiện, giảm từ 18,2% trong giai đoạn 2004 - 2006 xuống còn 10,8% hiện nay. Việc cân đối dinh dưỡng khẩu phần ăn cũng được cải thiện rõ rệt, người dân đã đa dạng hơn về loại và chất lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Lượng gạo ăn bình quân giảm từ 132 kg/người/năm xuống còn 96,6kg/người/năm. Người dân đã tăng lượng thịt bình quân và duy trì tỷ lệ trái cây, rau quả, cá, sữa… trong các bữa ăn.

Đặc biệt, đến nay, thu nhập bình quân của người trồng lúa cơ bản đã bảo đảm có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất. Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Bình quân mỗi năm cả nước xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo...

Tuy nhiên, phân tích tại Hội nghị cũng cho thấy, vấn đề an ninh lương thực vẫn còn tồn tại không ít những khó khăn, thách thức. Cụ thể như việc quy hoạch sử dụng đất đai ở các địa phương không ổn đinh, nhiều nơi chỉ ưu tiên chuyển đổi đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ vẫn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiên tiến. Các chính sách chưa đủ mạnh để các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Người sản xuất vẫn có tâm lý chạy theo số lượng, sử dụng nhiều vật tư đầu vào khiến chi phí sản xuất tăng cao, chất lượng hàng hóa còn hạn chế…

Dự án sản xuất lúa lai đã góp phần bảo đảm lương thực cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức

Tại đầu cầu tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh đã báo cáo về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong giai đoạn 2008 – 2018, diện tích trồng lúa của tỉnh khá ổn định, dao động trong khoảng 11.590 – 13.249 ha. Sản lượng lúa của tỉnh có chiều hướng tăng, từ 51.578 tấn vào năm 2008 lên 78.666 tấn năm 2018 (tăng 27.088 tấn). Năng suất lúa cũng tăng từ 44,5 tạ/ha năm 2008 lên 59,37 tạ/ha năm 2018. Để đạt được kết quả đó, tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi; khoa học công nghệ trong chế biến, thu hoạch, bảo quản nông sản...

Nhận định về an ninh lương thực trong nước và trên thế giới trong những năm tới, cũng như khắc phục những khó khăn hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị từ nay đến năm 2030, ngành Nông nghiệp, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Cả nước tiếp tục nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm hạn chế thiệt hại do thiên tai. Ngành nông nghiệp cần chú trọng gia tăng khâu chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng lương thực, thực phẩm.

Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các cấp, các ngành chú trọng công tác đào tạo, đổi mới trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương cần tạo cơ chế chính sách cho người sản xuất, kinh doanh lúa gạo; đầu tư hệ thống vận chuyển lưu thông, cung cấp hàng hóa, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO