Các tỉnh miền Trung tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 10

dangcongsan.vn| 17/09/2017 06:51

Từ 9 giờ sáng đến 16 giờ chiều ngày 15/9, cơn bão số 10 đã đổ bộ vào vùng giáp ranh giữa tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, tâm bão đi qua thị xã Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, vùng ảnh hưởng của cơn bão kéo dài từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Sau khi bão tan, các địa phương miền Trung đang khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục đời sống và sản xuất.

Đội Quản lý trật tự đô thị thị xã Kỳ Anh giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường thì đây là cơn bão có cấp độ rất cao, cấp 11-12, giật cấp 15 (chỉ đứng sau cấp thảm họa); tốc độ di chuyển cũng rất nhanh (ngày 12/9, bão hình thành trên biển Đông; đến ngày 15/9 đã vào nước ta). Nhưng khi đổ bộ vào đất liền, bão lại di chuyển khá chậm, tâm bão càn quét 7 tiếng đồng hồ trên vùng Kỳ Anh (9h đến 16h ngày 15/9). Có thể nói đây là cơn bão đặc biệt, sau 37 năm mới xuất hiện lại ở vùng này.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 10 làm 4 người chết (Thanh Hóa: 1 người; Nghệ An: 1 người; Quảng Bình: 1 người; Huế: 1 người) và 21 người bị thương (Nghệ An 1 người; Quảng Bình 10 người; Quảng Trị 9 người; Huế 1 người).

Thiệt hại về tài sản bao gồm: Nhà bị sập: 19 nhà (Quảng Bình: 13 nhà; Quảng Trị: 5 nhà; Huế: 1 nhà). Nhà bị tốc mái, hư hỏng: 23.968 nhà (Hà Tĩnh: 23.219 nhà; Quảng Trị: 85 nhà; Huế: 608 nhà). Ngoài ra còn nhiều nhà bị tốc mái hư hỏng ở Quảng Bình đến nay chưa có số liệu thống kê cụ thể. Nhà bị ngập: 5.489 nhà (Hà Tĩnh: 3.989 nhà; Quảng Bình: 1.500 nhà). Nhiều trường học, công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng chưa có số liệu thống kê.

Về thiệt hại với truyền thông và lưới điện: 1 cột phát sóng phát thanh tại Đồng Hới (Quảng Bình) bị gãy đổ, 1 cột truyền hình tại thị xã Kỳ Anh, (Hà Tĩnh) bị gãy đổ; 1.142 cột điện hạ thế bị đổ gãy; 1.703 cột điện hạ thế bị nghiêng. Tổng số khách hàng bị mất điện là 1.307.000 hộ, đến nay đã khôi phục cấp điện trở lại cho 165.198 khách hàng (đạt 13%), tuy nhiên vẫn còn 3 địa phương là huyện Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh chưa có điện.

Bên cạnh đó, có 4 tàu thuyền bị chìm ở Quảng Ngãi; 5 ghe máy bị chìm ở Huế.

Sạt lở hệ thống đê điều bao gồm: Sạt đê Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An dài 50m, nước tràn vào đồng; Vỡ đê biển Tả Nghèn, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh dài 25m và trôi cống Kho Muối; Sạt lở đê biển Cẩm Hà – Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên dài 2.000m.

Đê biển huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định sóng đánh tràn qua mặt đê gây sạt lở mái phía đồng 2 đoạn dài 1.800m (xã Hải Hòa: 600m; xã Hải Thịnh: 1.200m). Hiện nay, tỉnh đang huy động lực lượng trải bạt gia cố mái đê.

Tại tỉnh Thanh Hoá, sập hệ thống đóng mở cống Đồng Màu, đê hữu sông Mã, xã Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn. Hiện địa phương đang huy động các lực lượng, phương tiện để xử lý.

Về xả lũ hồ chứa:  Khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có 4/27 hồ chứa thủy điện đang xả tràn bao gồm: Thanh Hóa: Trung Sơn (105 m3/s); Nghệ An: Thủy điện Chi Khê (255 m3/s); Hà Tĩnh – Quảng Bình: Hố Hô (34 m3/s); Quảng Nam: Sông Bung 5 (39 m3/s).

Đối với hồ thủy lợi, các hồ có cửa van: Tổng số 7/32 hồ lớn có cửa van đang xả tràn: Thanh Hóa: Hồ Cửa Đạt xả 700 m3/s; Hà Tĩnh: Kim Sơn, Thương Sông Trí, Tàu Voi, Bộc Nguyên xả 20 m3/s, Kẻ Gỗ xả 150 m3/s, Sông Rác 30 m3/s.

Công nhân điện lực nỗ lực khắc phục đường điện để cấp điện cho người dân

Trong số những địa phương chịu ảnh hưởng cơn bão số 10, thì Hà Tĩnh thiệt hại nặng nhất, trong đó có thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh là nơi tâm bão đi qua. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đánh giá, yếu tố thuận lợi là bão số 10 vào ban ngày, đúng thời gian, địa điểm như dự báo nên giúp chủ động trong công tác phòng chống; nhưng yếu tố không thuận lợi là bão vào đúng lúc triều cường nên gây ngập hoàn toàn 30 thôn ven biển.

Ngay khi bão tan, từ chiều tối ngày 15/9 và sáng ngày 16/9, các hoạt động khắc phục hậu quả cơn bão số 10 đã được các địa phương khẩn trương tiến hành.

Tại Hà Tĩnh, nhiều lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên… được chia từng tốp nhỏ đến tận nhà dân bị thiệt hại nặng để hỗ trợ dọn dẹp, sửa chữa giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Ngoài huyện Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh vẫn mất điện và sóng điện thoại chập chờn, thì các địa phương khác trong tỉnh đã có điện trở lại.

Tại Nghệ An, các trạm bơm tiêu, cống tiêu chính của Công ty Thủy lợi Nam, Thủy lợi Bắc đang vận hành theo phương châm "gạn triều tiêu úng" để hạn chế ảnh hưởng có thể xảy ra với lúa và hoa màu cũng như các khu nuôi trồng thủy sản; chống ngập úng ở đô thị, thành phố.

Tỉnh Quảng Bình cũng đã khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 10. UBND tỉnh đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo công tác, phòng chống và khắc phục hậu quả bão tại các địa phương.

Bộ Tư lệnh Quân khu IV đã cử 4 đoàn công tác xuống cơ sở, đồng thời đã điều động 22.000 cán bộ chiến sỹ xuống cùng với các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 10. Nếu cần sẽ sẵn sàng điều động thêm 9.000 cán bộ chiến sỹ tham gia chiến dịch giúp dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, động viên người dân vùng bão

Bộ Công an cũng đã điều động 9.000 cán bộ, chiến sỹ xuống giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão; đồng thời sẵn sàng tăng cường thêm 2.000 cán bộ chiến sỹ.

Bộ Y tế đã chuẩn bị đủ 20 cơ số thuốc cho mỗi tỉnh sẵn sàng phòng chống dịch bệnh phát sinh sau bão lũ.

Sáng ngày 16/9, tại thị xã Kỳ Anh, trong buổi kiểm tra, làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về công tác khác phục hậu quả cơn bão số 10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Các tỉnh miền Trung có truyền thống anh hùng, bất khuất trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thì nay càng phải phát huy cao độ tinh thần đó trong công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 10. Đây là cơn bão đặc biệt, sau đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sơ kết rút kinh nghiệm để từ đó chủ động ứng khó với những cơn bão tiếp theo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tỉnh miền Trung tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO