Tiếp tục đổi mới nhận thức, hành động, nâng cao hiệu quả hoạt động phong trào

Vũ Trang| 21/09/2018 15:51

Ngày 21/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước tổng kết phong trào giai đoạn 2000-2018.

Video clip:

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương chủ trì hội nghị. Tại đầu cầu tỉnh Đắk Nông, các đồng chí Nguyễn Đình Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự tại đầu cầu tỉnh Đắk Nông

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đây là một giải pháp quan trọng để xây dựng văn hóa ngay từ cơ sở, từng người, gia đình, làng, xã, đơn vị văn hóa đến môi trường văn hóa và có vai trò kết nối nhiều phong trào, từ xóa đói giảm nghèo, người tốt, việc tốt, bảo vệ an ninh Tổ quốc, đền ơn đáp nghĩa, văn nghệ quần chúng …

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2000-2018 phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai sôi nổi, rộng khắp. Nhiều nội dung của phong trào được gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua khác, trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Quá trình triển khai phong trào, nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hay, hiệu quả được nghiên cứu, học tập và nhân rộng. Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đãcó nhiều chuyển biến tích cực, hạn chế và đẩy lùi nhiều hiện tượng tiêu cực, lạc hậu ...

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn; đạo đức, gia phong của dòng tộc, làng xã được giữ gìn và trao truyền. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, các phong trào thi đua yêu nước của các cấp ngành, địa phương được người dân hưởng ứng, tham gia thực hiện đầy đủ, trách nhiệm.

Tuy nhiên, quá trình triển khai phong trào cũng còn một số hạn chế, yếu kém như: nhận thức về mục đích, ý nghĩa xây dựng phong trào của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa sâu sắc, toàn diện; công tác phối hợp chưa chặt chẽ, thường xuyên; việc bình xét các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương còn dễ dãi, không đúng văn bản hướng dẫn, quy định...

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sôi nổi, rộng khắp

Thời gian tới, để phong trào tiếp tục được triển khai sâu rộng, hiệu quả, Ban Chỉ đạo các cấp xác định sẽ tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của phong trào; Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện phong trào trong giai đoạn mới; Phát huy tính tiên phong gương mẫu, đi đầu của đảng viên, người giữ chức vụ lãnh đạo trong các nội dung hoạt động của phong trào; Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện tốt các nội dung trong phong trào; Hoàn thiện thể chế, kịp thời chỉnh sửa, bổ sung các văn bản quản lý nhà nước để phù hợp với điều kiện thực tế; Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phong trào có đủ bản lĩnh, đủ năng lực và phẩm chất đạo đức, người có uy tín trong cộng đồng; Tăng cường nguồn lực của nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa, bảo đảm nguồn tài chính thực hiện các hoạt động của phong trào.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của Ban chỉ đạo các cấp trong việc triển khai thực hiện phong trào. Thủ tướng đề nghị thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới cả nhận thức lẫn hành động để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo chuyển biến tích cực. Ban Chỉ đạo Trung ương cần xây dựng kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành trung ương triển khai thực hiện toàn diện các nội dung, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt, cá nhân, tập thể điển hình. Việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng, đúng quy định. Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ phong trào, tạo mọi điều kiện cần thiết để nhân dân chủ động tự tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần phát triển và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đổi mới nhận thức, hành động, nâng cao hiệu quả hoạt động phong trào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO