Thủy điện xả lũ gấp để bảo vệ công trình, người dân chịu thiệt

Văn Tâm| 09/11/2016 16:31

Do ảnh hưởng của các đợt bão, áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông vừa qua, nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mưa lớn kéo dài; cùng với đó, do hoạt động xả lũ gấp của các Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Sêrêpốk đã khiến hàng trăm ngôi nhà, hơn 600 ha cây trồng ở các huyện Krông Nô, Chư Jút chìm trong nước lũ.

Nhà cửa, tài sản của người dân thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh (Krông Nô) bị nhấn chìm do thủy điện xả lũ lớn

Công ty Thủy điện Buôn Tua Srah thông báo cho các huyện từ chiều ngày 3/11 chỉ xả với lưu lượng nhỏ khoảng 100-150 m³/s. Thế nhưng, đến ngày 6/11, do lũ từ đầu nguồn tràn về bất ngờ, các thủy điện thông báo xả lũ với lưu lượng lớn.

Cụ thể, lưu lượng xả của Công ty Thủy điện Buôn Tua Srah là 180 m³/s, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp là 1.385 m³/s và Công ty Thủy điện Sêrêpốk 3 là 1.114 m³/s. Trong đợt xả lũ này, lưu lượng xả của các nhà máy thủy điện gấp 3 lần chạy máy, gây lụt cục bộ và làm thiệt hại lớn về tài sản đối với người dân.

Theo ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, ngay từ những ngày đầu tháng 11/2016, nhận định tình hình thời tiết có dấu hiệu diễn biến phức tạp, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã tăng cường theo dõi sát sao diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, tổ chức quan trắc lưu lượng nước về và dự báo đỉnh lũ, tính toán và có phương án điều tiết hồ chứa phù hợp.

Ông Triết cho biết: Từ ngày 4/11, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông nên trên lưu vực tiếp tục có mưa to đến rất to trên diện rộng, lưu lượng nước về các hồ chứa tăng cao, xuất hiện lũ về các hồ chứa. Đồng thời, trên lưu vực sông Krông Ana do bị ảnh hưởng nặng của áp thấp nhiệt đới làm lưu lượng nước về hồ và mực nước các hồ tăng cao đột ngột. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình đầu mối hồ, đập nên các hồ đã tiến hành xả điều tiết để bảo đảm an toàn cho các công trình.

Về vấn đề xả lũ mà chỉ thông báo cho người dân trước 2 - 3 giờ làm người dân không kịp trở tay, ông Triết cho rằng: “Đây là tình huống bất khả kháng, vì nước lũ về bao nhiêu thì các nhà máy thủy điện buộc phải xả ra bấy nhiêu. Nước lũ tràn về là rất nhanh nên chúng tôi phải xả theo khối lượng tương ứng”.

Huyện Chư Jút, cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng do trận lụt vừa qua, ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện cho rằng: “Qua theo dõi, tôi được biết những ngày gần đây do việc xả tràn của Thủy điện Buôn Tua Srah cùng lượng nước đi qua nhánh sông Krông Ana tràn về với lượng nước lớn nên buộc Thủy điện Buôn Kuốp xả với lượng nước 1.000 m³/s. Trong khi đó, lâu nay, Thủy điện Buôn Kuốp vận hành máy 350 m³/s cộng với xả lũ khoảng 100 m³/s thôi, tức là nó vận hành chưa vượt quá 500 m³/s. Nhưng hiện nay, nhà máy vận hành xả nước đến trên 1.000 m³/s dẫn đến ngập lụt làm cho người dân không có lối thoát kịp thời vì lâu nay chưa gặp tình trạng này”.

Tại huyện Krông Nô, nước lũ làm các xã Đắk Nang, Quảng Phú, Đức Xuyên, Nâm N’đir, Buôn Choáh… bị ngập nặng, khiến người dân bị thiệt hại nặng về tài sản, cây trồng.

Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô thì huyện có một số xã nằm ở vùng trũng thấp, dọc theo bờ sông nên dễ bị ảnh hưởng của lũ lụt. Trong những ngày vừa qua, việc Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah xả lũ trong thời gian ngắn, với lưu lượng lớn và thông báo cho chính quyền địa phương, người dân chỉ trước 3 - 4 giờ là do nguồn nước lũ từ Krông Ana tràn về bất ngờ nên dẫn đến ngập lụt trên diện rộng. Vấn đề này là do điều kiện khách quan chứ không xuất phát từ những bấp cập của các nhà máy thủy điện. Nếu trường hợp các nhà máy thủy điện không kịp thời vận hành xả lũ, giải thoát lưu lượng nước từ thượng nguồn tràn về các hồ chứa, không may gặp sự cố vỡ đập thì mức thiệt hại sẽ khó lường.

Mặc dù, trước khi xả, các nhà máy thủy điện đã có thông báo bằng văn bản cho chính quyền địa phương và các cấp, ngành liên quan nhưng đó là việc vận hành xả với lưu lượng nhỏ. Nhưng đến khi xả với lưu lượng lớn trên 1.000 m³/s mà chỉ thông báo trước 2 - 3 giờ khiến cho lũ về bất ngờ trong đêm, nước trên nguồn đổ về như thác, chỉ kịp chạy lấy người, tài sản bỏ lại thì người dân bị thiệt hại rất nặng nề.

Câu hỏi mà người dân đặt ra, rõ ràng tình hình thời tiết đã được dự báo, Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah chủ động điều tiết việc xả lũ, sao đến khi lũ ồ ạt tràn về, gây quá tải hồ chứa thì mới xả? Nếu nhà máy chủ động xả trước để đón lũ thì người dân vùng hạ du của 2 huyện Krông Nô, Chư Jút đâu phải chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”, tài sản trong chốc lát bị mất trắng như hiện nay?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủy điện xả lũ gấp để bảo vệ công trình, người dân chịu thiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO