Giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài: Nhận thức, hành động của nhiều lãnh đạo còn chưa quyết liệt

Hồng Thoan| 22/04/2014 14:49

Sáng ngày 22/4, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác tiếp công dân và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài với 37 tỉnh, thành phố có nhiều vụ việc lớn, nổi cộm trong cả nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Cao Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thị xã đã tham dự.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Theo báo cáo tại hội nghị của Thanh tra Chính phủ thì trong thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp công dân cũng như giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài.

Tuy nhiên, tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp lên Trung ương vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do nhận thức của lãnh đạo nhiều địa phương về công tác này chưa cao, chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt. Chính vì thế, sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố và các cơ quan chuyên môn không đồng bộ, có nơi còn buông lỏng, đùn đẩy lên cấp trên làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ việc.

Nhiều địa phương khi đã có kết luận thanh tra, có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ nhưng triển khai không kịp thời, đầy đủ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân gây tiếp tục khiếu kiện…

Cụ thể năm 2013, số lượt công dân đến trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước tăng hơn 28%, gần 23% số vụ việc và gần 18% số đoàn đông người so với năm 2012.

Quý I/2014, mặc dù số vụ việc công dân khiếu nại, tố cáo đến trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước có giảm nhưng số lượt người lại tăng trên 76%, số đoàn đông người tăng gần 24% so với cùng kỳ của năm trước.

Theo thống kê, rà soát ban đầu, cả nước hiện có 1.386 vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài, trong đó mới có 315 vụ việc được giải quyết dứt điểm.

Tuy nhiên, một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài mặc dù đã được cơ quan chức năng giải quyết thấu tình, đạt lý nhưng công dân vẫn không chấp nhận, tiếp tục khiếu kiện, có những hành vi quá khích, đe dọa hành hung cán bộ tiếp công dân. Những cá nhân có hành động quá khích gây rối trật tự công cộng đã bị cơ quan chuyên môn xử phạt vi phạm hành chính.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố như Hà Tĩnh, Quảng Ninh, An Giang, TP.Hồ Chí Minh… đã nêu lên thực tế, cũng như hướng giải quyết các vụ việc nóng ở địa phương liên quan đến các vấn đề về thu hồi đất đai, hỗ trợ, bồi thường, tái định cư…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giải quyết các vụ việc mà công dân khiếu nại, tố cáo chính là thể hiện tinh thần dân chủ của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, các cơ quan chức năng, lãnh đạo địa phương cần có sự quan tâm sâu sắc hơn, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm tập trung giải quyết đồng bộ các vụ việc tồn đọng, kéo dài, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trong đó, hai nguyên tắc chính cần tuân thủ trong xử lý các vụ việc là đảm bảo đúng pháp luật và quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp đã giải quyết đúng luật, hợp tình mà vẫn khiếu kiện chây ì, quá khích, cùng với tuyên truyền, vận động để bà con hiểu thì các địa phương phải có những biện pháp mạnh tạo tính răn đe cho những người khác.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tiếp tục làm tốt các hoạt động nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho mọi công dân để tạo được sự ổn định về an ninh chính trị, không tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng gây bất ổn xã hội, xáo trộn đời sống, tâm lý của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài: Nhận thức, hành động của nhiều lãnh đạo còn chưa quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO