Hội nghị triển khai GPMB mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên

23/10/2013 09:43

Chiều 22/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị triển khai GPMB mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

ADQuảng cáo

Tham dự có của đại diện của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố có Quốc lộ đi qua và tập đoàn kinh tế như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn VNPT, Viettel để di dời hạ tầng kỹ thuật trong diện di dời…

Đặc biệt, cuộc họp này có sự tham dự của 5 Thứ trưởng Bộ GTVT, lãnh đạo các cục, vụ của Bộ để trả lời ngay những thắc mắc của các địa phương về dự án tối quan trọng này nhằm cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015 và đầu 2016.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh VGP/Lê Sơn

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, công tác GPMB cho dự án vẫn còn chậm trễ. Đến nay, chỉ có 3 tỉnh là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đã GPMB được trên 40%, các địa phương còn lại chủ yếu đang kiểm đếm, áp giá, lập phương án tổng thể và chi tiết. Nhiều tỉnh còn chưa phê duyệt phương án GPMB tổng thể để làm thủ tục giao kế hoạch ứng vốn.

Trước tình hình đó, Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt nhằm bảo đảm hoàn thành GPMB của dự án Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và bàn giao cho đơn vị thi công trước ngày 31/12/2013.

Bộ GTVT cũng đã tạm ứng vốn cho các địa phương để hỗ trợ công tác GPMB, di dân tái định cư đối với người dân bị ảnh hưởng của dự án.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng khu tái định cư cho các địa phương, bảo đảm đủ vốn cho công tác GPMB và chuyển kịp thời kinh phí theo kế hoạch của địa phương; các công trình hạ tầng kỹ thuật của các tập đoàn cần khẩn trương di dời trong phạm vi GPMB; có phương án tạm ứng vốn cho công tác GPMB phù hợp với đặc thù của dự án để có vốn thực hiện, đẩy nhanh tiến độ.

Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua phê duyệt ngay phương án tổng thể GPMB và đăng ký cụ thể tiến độ giải ngân hằng tháng về Bộ GTVT trước ngày 30/10/2013 làm cơ sở để phân bổ kinh phí GPMB. Khẩn trương xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm đủ điều kiện cho các hộ dân bị ảnh hưởng có thể di dời để bàn giao mặt bằng sớm.

Để bảo đảm đúng tiến độ cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị của từng địa phương xuống từng hộ gia đình vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân và báo cáo định kỳ công tác GPMB kịp thời, đầy đủ để Bộ GTVT nắm bắt được tình hình.

ADQuảng cáo

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng bày tỏ tính quyết liệt khi yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải cam kết rõ thời gian, kế hoạch hoàn thành bàn giao GPMB cho nhà đầu tư, nếu nhận được đủ tiền để đền bù, di dời dân bị ảnh hưởng.

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều địa phương như Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hoá, Long An… nêu lên những khó khăn, vướng mắc, bất cập của công tác này, nhưng cũng thể hiện quyết tâm tập trung chỉ đạo hoàn thành tiến độ bàn giao mặt bằng đúng tiến độ vào 31/12/2013. Một số tỉnh khác cam kết bàn giao vào quý 1/2014 như Quảng Ngãi.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến sự quyết tâm, nỗ lực cao nhất của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai giải phóng mặt bằng đối với tuyến quốc lộ huyết mạch giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng đặt ra là hoàn thành vào năm 2017.

Địa phương nào không làm tốt GPMB sẽ bị Thủ tướng phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc. Còn đơn vị thi công nào chây ỳ thì Bộ GTVT thay thế ngay. Các ngành, các cấp tại các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Bí thư và Chủ tịch các địa phương phải xuống tận cơ sở để vận động nhân dân và giải quyết kịp thời các vướng mắc. Cán bộ làm việc trực tiếp phải là người hiểu biết nội dung, chuyên môn với tinh thần thái độ phục vụ nhân dân tốt nhất.

Các tỉnh phải tiến hành phê duyệt tổng thể GPMB, đền bù, tái định cư cho nhân dân. Các tập đoàn cần di dời ngay hệ thống hạ tầng kỹ thuật của mình liên quan đến đoạn tuyến cần GPMB.

Phó Thủ tướng cũng “chốt” lại thời gian là cuối năm 2013 phải cơ bản giải phóng xong mặt bằng, chỉ còn một số ít kéo dài sang quý 1/2014.

Bộ Tài chính bảo đảm ngân sách cho các địa phương, có thể ứng vốn trước cho việc đền bù, GPMB cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Các bộ, ngành trong nhiệm vụ được phân công sớm có kế hoạch cùng Bộ GTVT hoàn thành nhiệm vụ quan trọng được giao này.

Quá trình thi công phải bảo đảm an toàn và chống ùn tắc, không để xảy ra tai nạn giao thông do lỗi chủ quan. Lãnh đạo các bộ, ngành phải thường xuyên kiểm tra chặt chẽ không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong đền bù, GPMB trong quá trình thi công dự án.  

Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hoá-Cần Thơ được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau nên được chia thành 40 dự án. Trong đó, đầu tư theo hình thức BOT gồm 18 dự án với chiều dài 608km, tổng mức đầu tư 50.624 tỷ đồng; đầu tư bằng ngân sách nhà nước gồm 21 dự án, chiều dài 696km, tổng đầu tư 46.233 tỷ đồng; đầu tư bằng vốn vay ADB với 1 dự án dài 49km, tổng đầu tư 4.368 tỷ đồng.

Dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên dài 663km, giai đoạn 1 đã hoàn thành 110km từ Đắc Zôn đến Tân Cảnh, giai đoạn 2 còn 553km từ Tân Cảnh đến Chơn Thành (Bình Phước) được chia thành 25 dự án thành phần. Đầu tư bằng trái phiếu là 13 dự án với 4.934 tỷ đồng; còn lại 11 dự án với số vốn khoảng 15.890 tỷ đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị triển khai GPMB mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO