Góp ý Văn kiện Đại hội XII của Đảng: Về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa

Văn Tòa| 07/10/2015 16:30

Theo chủ đề Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng thì thành tố: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” được xếp ở vị trí quan trọng thứ hai trong toàn bộ chủ đề.

So với chủ đề Đại hội XI, điểm mới là dự thảo đã thêm cụm từ “và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Đây là điều rất cần thiết, khẳng định “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” giữ vai trò chi phối toàn bộ các thành tố, góp phần quyết định cho mọi thành công trong sự nghiệp lãnh đạo của Đảng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì: Không phát huy dân chủ XHCN thì không thể phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, không thể đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Không phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa thì Đảng không thể tự mình làm trong sạch Đảng, không thể xây dựng Đảng vững mạnh và như vậy cũng không thể bảo vệ được Đảng, bảo vệ chính quyền và kể cả bảo vệ Tổ quốc. Chính vì tầm quan trọng đó, mà “phát huy dân chủ” là thành tố không chỉ thể hiện ở chủ đề mà xuyên suốt trong toàn bộ nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng.  

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ mà ở đó nhân dân là những người làm chủ, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Đây là điều không mới, nó chính là mục đích của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945. Trong bài báo Dân vận (năm 1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, chúng ta đã xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân và đến nay sau 70 năm, minh chứng rằng dân chủ không phải là điểm đến, không phải là mục tiêu mà dân chủ chính là con đường, là hành trình tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội văn minh, hùng mạnh. Vì vậy, việc bổ sung thành tố “phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng là sự nhận thức sâu sắc và đầy đủ của Đảng.

Những năm qua, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, dĩ nhiên trong mọi thành tựu đó đều thể hiện rõ vai trò dân chủ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng vai trò dân chủ của nhân dân chưa được thể hiện và phát huy đầy đủ; tình trạng vi phạm dân chủ vẫn còn diễn ra, quyền lợi của nhân dân còn bị xâm phạm. Chính vì vậy mà Đảng chưa phát huy hết sức mạnh toàn dân tộc, làm chậm bước tiến trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước. Mới đây, Hiến pháp năm 2013 đã chế định đầy đủ các quyền con người, quyền công dân, các hình thức nhân dân thực thi quyền lực nhà nước. Đây được coi là bước tiến mới về dân chủ.

Tuy nhiên, để thực sự phát huy đầy đủ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, theo tôi trong nhiệm kỳ 2016-2020, Đảng ta cần:

Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp hoặc tác động liên quan đến đời sống nhân dân trước hết đều phải xuất phát từ lòng dân. Bằng mọi hình thức, giải pháp, đảm bảo nhân dân tham gia đóng góp trí tuệ ở tất cả các khâu trước khi đưa ra quyết định ban hành. Phải đặt “lòng dân” nằm trước “ý Đảng” thì Đảng mới thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối đối với nhân dân, mới không xa rời thực tiễn, chống được chủ nghĩa giáo điều, duy ý chí, bảo thủ, coi khinh việc dân.

Cụ thể hoá và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng hình thức dân chủ trực tiếp, vì đây là hình thức nhân dân trực tiếp quyết định các vấn đề, các công việc quan trọng mà không phải thông qua trung gian. Cải cách hệ thống Hội đồng nhân dân các cấp theo hướng “quyền lực thực chất”, đặc biệt là vai trò giám sát, xử lý bãi nhiệm cán bộ thuộc thẩm quyền không đủ tư cách, năng lực và những lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm của Hội đồng nhân dân. Bảo đảm thực thi quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Nghiêm túc thực hiện tốt yêu cầu "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát" theo Chỉ thị 30/CT-TW của Bộ Chínhtrị (khóa VIII) về “Quy chế dân chủ ở cơ sở” và “Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”.

Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Thực thi dân chủ mà không gắn với nguyên tắc, kỷ cương, phép nước sẽ dẫn tới dân chủ quá trớn, mất tập trung; vô tình tạo cơ hội  cho các thế lực thù địch lợi dụng gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Mặt khác để phát huy dân chủ, Đảng cần tiếp tục cụ thể mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" bằng các văn bản, nhất là quyền làm chủ của nhân dân, tránh hô khẩu hiệu suông; tránh tình trạng hình thức không gắn với bản chất, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân; trừng trị thích đáng các hành vi lợi dụng dân chủ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc và đời sống nhân dân.

Muốn thực hiện tốt dân chủ trong xã hội, trước hết phải bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng. Thực hiện tốt dân chủ trong Đảng sẽ lan tỏa và có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện và phát huy dân chủ trong toàn xã hội

Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nền tảng, động lực cho sự phát triển đất nước. Vì vậy, tôi cho rằng coi trọng phát huy dân chủ trong thực tiễn đời sống, đảm bảo mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân như trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng là yếu tố bất biến trên con đường dựng xây chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý Văn kiện Đại hội XII của Đảng: Về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO