Xử lý nợ đọng thuế: Còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao

Lương Nguyên| 30/09/2014 10:54

Số nợ đọng thuế cao và liên tiếp kéo dài, nhiều cán bộ thuế chưa phát huy hết trách nhiệm, công tác phối hợp còn nhiều bất cập… trong khi đó, việc đưa ra những giải pháp mang tính đột phá để xử lý nợ còn hạn chế nên hi vọng về việc giảm nợ thuế xuống thấp là rất mong manh.

ADQuảng cáo

Không thu được nợ, nhưng tiền nộp phạt lại tăng

Theo Cục Thuế tỉnh, tính đến 31/8/2014, số nợ đọng thuế trên địa bàn là gần 340 tỷ đồng, giảm 3% so với thời điểm cuối năm 2013. Trong đó, nợ khó thu là hơn 151 tỷ đồng, nợ có khả năng thu gần 177 tỷ đồng, nợ đang chờ xử lý và điều chỉnh gần 11,8 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp ở Đắk Mil gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên nợ thuế kéo dài

Mặc dù tổng nợ thuế có giảm so với cuối năm 2013, nhưng số thuế nợ phát sinh trong 8 tháng đều tăng. Nguyên nhân dẫn đến nợ thuế tăng là do một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh khó khăn về tài chính nên không có khả năng thanh toán số tiền thuế nợ một lần nộp vào ngân sách Nhà nước.

Nhiều trường hợp khác cố tình dây dưa, chây ỳ chiếm dụng tiền thuế để đầu tư vào lĩnh vực khác, trong khi tài sản đã thế chấp ở các tổ chức tín dụng nên gây khó khăn cho cơ quan thuế trong công tác cưỡng chế thu hồi nợ. Đặc biệt, hiện nay, nhiều doanh nghiệp nộp thuế theo kiểu “gối đầu”, chấp nhận tiền chậm nộp để chiếm dụng tiền thuế.

Riêng trong 8 tháng đầu năm, tiền nộp phạt chậm của các đơn vị nợ thuế đã lên con số gần hơn 7,5 tỷ đồng. Việc thành lập doanh nghiệp mới thủ tục đơn giản, thông thoáng, sự quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp chưa được chặt chẽ nên tình trạng mua, bán hóa đơn bất hợp pháp diễn ra tràn lan. Nhiều doanh nghiệp hiện đã thay đổi địa điểm kinh doanh nhưng không báo cơ quan thuế hoặc đã nghỉ bỏ kinh doanh mà cơ quan thuế không có thông tin nên số thuế còn nợ vẫn chưa xử lý được.

Số nợ đọng thuế cao, ngoài những nguyên nhân khách quan, một yếu tố khác cần nói đến đó là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thuế trong công tác xử lý. Để giải thích cho số nợ thuế tăng, các địa phương đã nêu ra rất nhiều lý do, trong đó, có tình trạng một số bộ phận cán bộ thuế còn yếu năng lực, chỉ quan tâm đến nhiệm vụ thu, chưa thực sự quyết liệt đến công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế.

Là một trong số ít các đơn vị có nợ thuế giảm so với thời điểm đầu năm (giảm từ 66,7 tỷ đồng xuống còn 51 tỷ đồng), nhưng khi trao đổi về công tác quản lý nợ thuế trong thời gian qua, đại diện cơ quan thuế Gia Nghĩa cũng không phủ nhận trách nhiệm của cán bộ thuế.

Bà Trần Thị Hoa, Chi cục Trưởng Chi cục Thuế Gia Nghĩa cho hay: “Hầu hết, đội ngũ cán bộ thuế đã rất nỗ lực trong công tác thu nợ đọng thuế. Vậy nhưng, ở đôi lúc, đôi nơi, đội ngũ cán bộ thuế, nhất là đội thuế liên xã, phường vẫn nắm bắt chưa sát địa bàn, chưa thực sự hết trách nhiệm với công tác này”. Ông Hồ Nhất Thiên, cán bộ Đội quản lý nợ và Kê khai (Chi cục Thuế Đắk Glong) cho rằng:“Công tác xử lý nợ thuế trên địa bàn gặp khó khăn một phần do đội ngũ cán bộ tại đơn vị còn thiếu, địa bàn lại rộng nên không thể quản lý nổi”.

Cũng chính điều này mà khi trình bày về số thuế cho cấp trên, cơ quan thuế huyện đã báo cáo không chuẩn xác số nợ đọng mà địa bàn mình quản lý, với số thuế chênh lệch hơn 1 tỷ đồng.

Bất cập trong cơ chế phối hợp

ADQuảng cáo

Hiện nay, ngoài vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, sự phối hợp giữa các ngành liên quan trong công tác thu hồi nợ đọng thuế vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể,  trong gần 340 tỷ đồng tiền nợ thuế, có đến gần 90 tỷ đồng là số nợ về liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Điều đáng nói là về vấn đề đất đai, giao đất, giao rừng thuộc trách nhiệm của rất nhiều đơn vị như sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp-PTNT… nhưng sự phối hợp giữa các bên liên quan vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, với những chính sách hỗ trợ thuê đất cho các tổ chức, cá nhân, các ngành chức năng “chậm” trong việc hướng dẫn cho họ cách làm hồ sơ, thủ tục để được miễn giảm ngay, nên tình trạng nợ thuê đất cứ kéo dài… Để giải quyết được vấn đề này, nếu chỉ riêng trách nhiệm của ngành Thuế thì “ôm không xuể”.

Ông Vũ Văn Thiện, Phó Cục Trưởng Cục Thuế tỉnh phân trần: “Riêng về các khoản nợ đất đai, mặc dù, Bộ Tài chính đã có văn bản giao cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan rà soát và xử lý theo thẩm quyền, nhưng sự phối hợp vẫn còn rất rối rắm”.

Sự phối hợp giữa các ngành liên quan chưa thực sự chặt chẽ nên khó khăn trong công tác thu hồi nợ thuế đất của các công ty lâm nghiệp

Nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu

Công tác phối hợp, thu nợ, xử lý nợ đọng thuế vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn, trong khi, ngành thuế vẫn chưa tìm ra được biện pháp mang tính chất đột phá nên xem ra tình trạng nợ đọng thuế vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.

Ông Vũ Văn Thiện chia sẻ thêm: “Nợ thuế vẫn còn cao, trong khi các biện pháp các cơ quan thuế địa phương triển khai vẫn còn mang tính chất chung chung, chưa có tính đột phá”.

Cũng theo ông Thiện thì hiện tại, ngoài việc thực hiện các giải pháp từ trước đến nay vẫn áp dụng, ngành thuế đề nghị UBND các huyện, thị xã phối hợp với cơ quan thuế, giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND các xã, thị trấn để phân công địa bàn cụ thể, từ đó, đôn đốc công tác thu nợ tại từng địa chỉ rõ ràng. Xét theo từng doanh nghiệp, địa bàn, phân tích nguyên nhân để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp, tạo điều kiện danh nghiệp sản xuất, kinh doanh, vừa để giảm nợ đọng.

Do vậy, ngoài trách nhiệm ngành thuế, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, các ngành chức năng từ cấp trên xuống cơ sở để làm sao đó có giải pháp tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức, góp phần giảm nợ đọng thuế.

Có thể nói, nợ thuế còn cao, trong khi những giải pháp căn cơ để giảm thuế còn thiếu trách nhiệm của người đứng đầu ngành thuế địa phương chưa thực hiện đầy đủ… công tác phối hợp giữa các cấp, ngành liên quan chưa chặt chẽ là những vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nợ đọng thuế: Còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO