Thu nợ đọng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản: Còn nhiều nan giải

Nguyễn Lương| 24/11/2016 10:16

Theo dự kiến của ngành Thuế, từ nay đến cuối năm, toàn ngành sẽ phấn đấu thu gần 20 tỷ đồng số nợ từ lĩnh vực khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, với thực tế những gì đang diễn ra thì con số 20 tỷ đồng không phải dễ dàng.

ADQuảng cáo

Đoàn liên ngành chống thất thu và xử lý nợ đọng khảo sát hoạt động khai thác khoáng sản tại một số đơn vị khai thác cát trên địa bàn huyện Krông Nô

80% đơn vị khai thác khoáng sản nợ đọng thuế

Theo Cục Thuế tỉnh Đắk Nông, tính đến nay, toàn tỉnh có 41 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, với trữ lượng khai thác được cấp phép hơn 1 triệu khối/năm. Trong tổng số 41 doanh nghiệp thì 80% đơn vị đang nợ thuế, với tổng số nợ hơn 43 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền nợ cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 30 tỷ đồng, còn lại là nợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí môi trường.

Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã triển khai các biện pháp tuyên truyền để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình với nhà nước như: Đôn đốc bằng văn bản, điện thoại trao đổi trực tiếp hoặc đến tại trụ sở làm việc.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách đối với nhà nước của các doanh nghiệp không mấy khả quan. Nhiều đơn vị vẫn chây ì không nộp thuế. Đứng đầu danh sách nợ thuế ở lĩnh vực này phải kể đến Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiên Nhân II, xã Nhân Đạo (Đắk R'lấp), với tổng nợ thuế hiện nay hơn 6,8 tỷ đồng.

Ngoài nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 3,5 tỷ đồng thì đơn vị còn nằm trong “tốp đầu” về các khoản nợ như thuế tài nguyên môi trường, phí môi trường. Nằm trong danh sách này còn có Công ty Cổ phần Đông Bắc, xã Nâm Nung (Krông Nô), với tổng số nợ hơn 5,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều đơn vị khai thác khoáng sản tại các địa bàn đang nợ thuế, nhưng đến nay chưa nộp, dẫn đến số nợ thuế ở lĩnh vực này “đội” lên hàng chục tỷ đồng như: Chi nhánh Công ty TNHH MTV 508 Tây Nguyên (Gia Nghĩa), Công ty TNHH Phúc Vinh (Gia Nghĩa), Công ty Cổ phần Thạch Sơn Hà (Đắk Song)…

Gặp doanh nghiệp khó hơn … “lên trời”

ADQuảng cáo

Đã nhiều lần nghe về hoạt động “cầm chừng” của các đơn vị khai thác khoáng sản nhưng chuyến thị sát cùng Đoàn liên ngành chống thất thu ngân sách nhà nước và xử lý nợ đọng thuế của tỉnh vào một ngày đầu tháng 11, chúng tôi mới thật sự “mắt thấy, tai nghe”.

Đường vào Công ty Cổ phần Đông Bắc, ở xã Nâm Nung (Krông Nô) rộng thênh thang. Sản lượng đá sau khai thác chất cao thành đống, bụi phủ một lớp dày. Trụ sở điều hành cửa đóng then cài. Các thiết bị phục vụ sinh hoạt và làm việc như quạt điện, bàn ghế mạng nhện vây kín. Đợi mãi, các thành viên trong Đoàn mới gặp được nhân viên bảo vệ công ty.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Đoàn liên ngành chống thất thu và nợ đọng thuế khẳng định: “Đây không phải là trường hợp duy nhất. Cả mấy tháng nay, Đoàn tiến hành làm việc với nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhưng số đơn vị chịu “hợp tác” rất ít. Đến đơn vị nào, các thành viên chỉ thấy trụ sở bỏ không, hiếm lắm mới gặp được nhân viên bảo vệ để hỏi thăm tình hình”.

Lý giải thêm về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản hiện nay, ông Hòa cho biết thêm: “Trong giai đoạn này, nhiều đơn vị khai thác khoáng sản tại địa phương gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm, một số khác đang sản xuất cầm chừng và dừng hoạt động.

Ngoài ra, còn có những doanh nghiệp ở tỉnh ngoài đầu tư kinh doanh và được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn của tỉnh, nhưng một số chi nhánh đã ngừng hoạt động, công ty không có trong thực tế nên việc đôn đốc nộp, xử lý chậm nộp theo quy định của luật Quản lý thuế rất phức tạp và khó khăn. Điều này dẫn đến số nợ thu được từ lĩnh vực này rất ít.

Theo quy định, nếu doanh nghiệp không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đúng hạn thì sẽ bị phạt tiền chậm nộp. Đối với hành vi không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngoài việc bị xử lý theo quy định, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ 4 đến 6 tháng, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Để “đối phó” với nợ xấu từ lĩnh vực này, Cục Thuế tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường đã thực hiện tước quyền sử dụng giấy phép đối với 12 đơn vị. Tuy nhiên, sau khi tước quyền sử dụng giấy phép, muốn gặp được lãnh đạo các đơn vị để làm việc còn khó hơn “lên trời”.

Như vậy, việc làm thế nào để các doanh nghiệp tự giác thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo đúng quy định đang là vấn đề “đau đầu” của cơ quan chức năng. Và giải pháp trước mắt để từng bước giảm nợ đọng thuế từ lĩnh vực này là các đơn vị liên quan đang tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính của từng đơn vị khai thác khoáng sản để trực tiếp đôn đốc, ký cam kết nộp trong thời gian sớm nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu nợ đọng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản: Còn nhiều nan giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO