Linh hoạt trong điều hành ngân sách

Đức Diệu| 27/02/2014 10:40

Ngày 18/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT).

ADQuảng cáo

Theo đó, căn cứ quy định của Nghị định này thì đối tượng hàng hóa không phải chịu thuế  GTGT là các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã thì không phải kê khai, tính, nộp thuế GTGT. Với quy định này, ngoài những lợi ích từ đối tượng kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục điều chỉnh, hàng loạt địa phương, nhất là những tỉnh như Đắk Nông, đang phải đối mặt với tình trạng hụt thu so với dự toán giao trong năm và ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ thu.

Theo Cục Thuế tỉnh, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 225.000 tấn cà phê đưa vào danh mục chịu thuế GTGT. Ngoài ra còn các sản phẩm nông nghiệp khác như tiêu, điều, cao su… trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 167 doanh nghiệp và 210 hộ kinh doanh các mặt hàng nông sản. Nếu thực hiện việc miễn thuế GTGT theo tinh thần nghị định 209 thì toàn tỉnh sẽ hụt thu khoảng 220 tỷ đồng tiền thuế, trong đó hụt thu từ nguồn nông sản cà phê khoảng 130 tỷ đồng. Số thu hụt này chủ yếu rơi vào nguồn thu phân cấp cho các huyện, thị xã.

Ông Ngô Xuân Lộc, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết: “Nguồn thu GTGT từ các mặt hàng nông sản là nguồn thu chủ yếu của địa phương. Vì thế, theo quy định tại Nghị định 209, toàn huyện Krông Nô trong năm nay sẽ hụt khoảng 2/3 số thu so với dự toán giao. Đối với huyện Đắk R’lấp, một trong những địa phương có số thu dự toán giao hàng năm cao nhất tỉnh cũng đang gặp tình trạng tương tự.

Chi Cục thuế Đắk Glong kiểm tra hóa đơn bán hàng tại hộ kinh doanh ở thôn 8, xã Quảng Khê.  Ảnh: Ngọc Tâm

ADQuảng cáo

Theo ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp thì với đặc trưng là địa bàn có cơ cấu nguồn thu từ lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 70% tổng nguồn thu thuế, phí, lệ phí thì trong năm 2014, toàn huyện hụt thu khoảng 57 tỷ đồng, chiếm hơn 50% số thu được giao theo dự toán khi áp dụng chính sách thuế mới theo Nghị định 209. Không chỉ hai huyện trên, với đặc thù là tỉnh có ưu thế về nền nông nghiệp với tỷ trọng hơn 70% giá trị cơ cấu kinh tế, trong khi các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu đang được trao đổi, mua bán dưới dạng thô nên các địa phương còn lại cũng đang rơi vào tình trạng hụt thu vượt quá tầm kiểm soát so với dự toán. Từ đây, việc bị động trong cân đối chi là một điều không thể tránh khỏi.

Cũng theo ông Lê Văn Thị, đối với các huyện, việc khai thác nguồn thu mới phát sinh là rất khó  nên khi chính sách thuế điều chỉnh như đã nêu, các địa phương không thể cân đối thu nếu tỉnh không sớm có giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt, đối với nguồn chi thường xuyên, trong đó chủ yếu là tiền lương, tiền công, tiền bảo hiểm cho cán bộ công nhân viên chức nếu không cân đối được thì sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển và đời sống của các đối tượng hưởng lương trực tiếp từ nguồn cân đối ngân sách.

Theo Cục Thuế tỉnh, trên cơ sở rà soát, tính toán nguồn thu, mặc dù toàn tỉnh trong năm nay nguồn thu hụt trên 220 tỷ đồng nhưng lại có nguồn thu phát sinh khoảng 100 tỷ đồng từ việc điều chỉnh chính sách về phí tài nguyên mặt nước của các công trình thủy điện trên địa bàn từ 2% lên 4%. Nguồn thu này, toàn tỉnh tăng thêm được khoảng gần 100 tỷ đồng so với dự toán. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh cũng sẽ rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường, khai thác nguồn thu từ một số lĩnh vực khác như khoáng sản, thuế vãng lai trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Vì thế, ảnh hưởng trong điều hành, sử dụng ngân sách cũng không đến nỗi lo ngại. Tuy nhiên, vì kế hoạch thu, chi của năm 2014 đã được phê duyệt nên để cân đối nguồn thu này về cho các địa phương, trước hết phải có sự đồng ý của Bộ Tài chính.

Chỉ đạo về vấn đề này, đồng chí Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính cần sớm tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản đề xuất với Bộ Tài chính xin chủ trương điều chỉnh thu, chi cho hợp lý. Vấn đề quan trọng trước mắt để nhằm đảm bảo các địa phương chủ động trong điều hành chi, nhất là chi thường xuyên thì Kho bạc Nhà nước tỉnh cần linh động, tạo mọi điều kiện để các huyện, thị xã đảm bảo đủ kinh phí sự nghiệp để chi lương, các chế độ bảo hiểm đúng, đủ, kịp thời cho cán bộ, công nhân viên chức. Mặt khác, tùy vào điều kiện thực tiễn, các địa phương cần linh hoạt trong điều hành ngân sách, phát huy nội lực, tận dụng tối đa các nguồn lực trong đầu tư phát triển để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, kế hoạch đề ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Linh hoạt trong điều hành ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO