Khoản nợ thuế "khủng" tại các công ty lâm nghiệp

Công Tính| 26/03/2020 09:17

Sau khi Báo Đắk Nông đăng loạt bài "Cuộc cách mạng nửa vời" tại các công ty lâm nghiệp" thì đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc, nhất là những người công tác trong ngành lâm nghiệp. Theo họ, ngoài khó khăn về cơ cấu tổ chức, có đơn vị còn “nợ thuế” mà không biết đến bao giờ có thể trả được cho Nhà nước.

ADQuảng cáo

“Chết” vẫn còn nợ

Thực hiện Nghị quyết số 30, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118, ngày 27/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, tỉnh Đắk Nông có 10 đơn vị, trong đó có 7 công ty lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp, đổi mới.

Trong quá trình sắp xếp, đổi mới, toàn tỉnh cũng đã giải thể 6 công ty trong lĩnh vực lâm nghiệp gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuận Tân, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Đức, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Lập.

Không có đủ tiền chi cho nhiệm vụ giữ rừng, nhưng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa đang “gánh” khoản nợ thuế vài chục tỷ đồng

Tuy các doanh nghiệp đã giải thể, nhưng hàng năm, trong báo cáo của Cục Thuế tỉnh vẫn còn nhắc tên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuận Tân và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân. Bởi vì hai đơn vị này đang nợ hơn 20 tỷ đồng tiền thuê đất. Đó là chưa kể số tiền nộp phạt chậm đến thời điểm này cũng tương đương với khoản nợ gốc. Nói về câu chuyện thu khoản thuế này, từ cán bộ ngành Thuế, đến lãnh đạo một số công ty lâm nghiệp đều khẳng định là “bất khả thi”.

Không chỉ riêng các trường hợp giải thể, ngay cả những công ty lâm nghiệp đang hoạt động cũng phải “gánh” trên vai một khoản thuế rất lớn. Trường hợp Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa đang có số nợ tiền thuê đất hơn 35 tỷ đồng. Nếu tính cả khoản phạt nộp chậm thì tổng số nợ thuế của đơn vị này khoảng 70 tỷ đồng.

Ông Lại Thế Bình, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa cho biết: “Đơn vị hàng năm vẫn cần Nhà nước hỗ trợ kinh phí để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng thì không thể có cách nào trả khoản thuế mà mình thuê đất được. Trong khi đó, tuy là hợp đồng thuê đất, nhưng các công ty lâm nghiệp chỉ có mỗi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và không phát sinh hoạt động sản xuất trên phần đất này. Công ty chỉ còn cách kiến nghị tỉnh, cơ quan chức năng tính toán “xóa” khoản thuế đang nợ”.

Liên quan đến việc xử lý số nợ tiền thuê đất, mặc dù ngành Thuế tỉnh, các công ty lâm nghiệp đã có nhiều văn bản đề xuất miễn giảm, nhưng đến nay, cả trăm tỷ đồng nợ thuế của các đơn vị này vẫn tiếp tục “treo” trong báo cáo thuế.

ADQuảng cáo

Khó, hay xử lý chưa quyết liệt?

Ngày 28/5/2015, UBND tỉnh có tờ trình gửi Chính phủ về việc miễn tiền thuê đất cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 10/12/2015, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về việc miễn tiền thuê đất cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tiếp đó, ngày 31/12/2015, Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Nông hướng dẫn thực hiện xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai và phương án tái cơ cấu lại công ty nông, lâm nghiệp.

Cụ thể: Căn cứ Điều 14, Nghị định 118 năm 2014 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất thì “Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp đối với đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên”, Bộ Tài chính cho rằng, các công ty này chỉ phải nộp tiền thuê đất đối với đất sản xuất nông nghiệp, đất không phải là đất rừng như quy định.

Ngay khi có văn bản của Bộ Tài chính, ngày 3/2/2016, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Tài chính, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện (theo văn bản của Bộ Tài chính-PV) về miễn tiền thuê đất cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn.

Thế nhưng, qua nhiều cuộc làm việc chưa đạt được kết quả thì các đơn vị, công ty lâm nghiệp tiếp tục có văn bản gửi cơ quan Trung ương kiến nghị về việc miễn tiền thuê đất. Trả lời kiến nghị của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, ngày 20/6/2019, Bộ Tài chính cũng đã nêu căn cứ đã được Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, tờ trình của UBND tỉnh Đắk Nông về việc miễn tiền thuê đất cho các công ty lâm nghiệp… Bộ Tài chính đề nghị, Công ty liên hệ với các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông để nộp tiền thuê đất theo đúng quy định.

Căn cứ văn bản (ngày 20/6/2019 của Bộ Tài chính), ngày 29/7/2019, Cục Thuế tỉnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh xác định lại diện tích được giao, được thuê của các công ty lâm nghiệp. Cũng theo văn bản của Cục Thuế tỉnh, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các công ty lâm nghiệp được Nhà nước cho thuê đất và phải thuê đất đối với đất sản xuất nông nghiệp không phải đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Theo đại diện lãnh đạo một đơn vị lâm nghiệp, phần lớn diện tích đất các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đang quản lý là đất có rừng sản xuất, rừng tự nhiên. Vì vậy, theo quy định, các doanh nghiệp này thuộc trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất…

Không thấy có văn bản phản hồi của các sở, ngành, ngày 5/3/2020, Cục Thế tỉnh tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh. Văn bản nêu rõ, ngày 29/7/2019, Cục Thuế tỉnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền thực hiện xác định lại diện tích đất được giao, được thuê của các công ty lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (5/3/2020-PV), Cục Thuế tỉnh vẫn chưa nhận được ý kiến phải hồi của các cơ quan có thẩm quyền. Để có cơ sở quản lý, thu tiền thuê đất của các công ty lâm nghiệp, điều chỉnh giảm số nợ tiền thuê đất đối với diện tích đất là đất được giao không thu tiền sử dụng đất, Cục Thuế tỉnh kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo.

Sau khi xem xét văn bản của Cục Thuế tỉnh, ngày 12/3/2020, UBND tỉnh có Văn bản số 1095, nêu rõ: Việc rà soát, tổng hợp diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường từ ngày 8/7/2019. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc thực hiện chỉ đạo. Nếu có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp xử lý cụ thể và tổng hợp kết quả gửi UBND tỉnh trước ngày 31/3/2020.

Với số nợ thuế lớn và hiện chưa biết khi nào được xử lý dứt điểm, không chỉ có doanh nghiệp mệt mỏi mà ngành Thuế tỉnh cũng phải tốn giấy mực, công sức để báo cáo các khoản nợ thuế hàng năm, dù biết chắc là không có khả năng thu hồi...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoản nợ thuế "khủng" tại các công ty lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO